Nông nghiệp xanh bị 'trói tay' vì thiếu luật, thiếu tiền, thiếu người dẫn dắt
Hiện nay Việt Nam đứng trước các thách thức lớn về phát triển nông nghiệp như suy thoái tài nguyên. Đồng thời, những tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, buộc Việt Nam phải chuyển đổi sang phát triển nông nghiệp bền vững.
Nông nghiệp tuần hoàn là xu thế tất yếu
Tại Diễn đàn Nông nghiệp 2025 diễn ra vào chiều 16/7, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, nông nghiệp tuần hoàn vừa là yêu cầu bắt buộc, vừa là động lực tiến tới nền nông nghiệp xanh, chi phí thấp, gia tăng chuỗi giá trị, thay đổi thói quen canh tác lạc hậu, hạn chế sử dụng tài nguyên, giảm phát thải nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường…
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Quang Phòng, việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vẫn gặp những rào cản về đất đai, vốn cần sớm được tháo gỡ.

ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. (Ảnh: PO)
Cụ thể, việc tiếp cận đất đai và quy hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã gặp nhiều hạn chế, yêu cầu tài sản thế chấp và thủ tục tiếp cận tín dụng còn phức tạp; tín dụng theo chuỗi nông nghiệp chưa được áp dụng phổ biến; khả năng xử lý rủi ro tín dụng thấp, chưa gắn với bảo hiểm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ đang là “rào cản” cho việc áp dụng hình thức sản xuất khép kín, tập trung với diện tích canh tác lớn; người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng sản phẩm sản xuất hữu cơ; trình độ, năng lực tiếp cận khoa học và công nghệ còn nhiều hạn chế…
“Nếu nông dân sẵn sàng, doanh nghiệp vào cuộc thì cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền các địa phương phải là người dẫn dắt, định hướng, xây dựng chính sách, hỗ trợ nguồn lực, tạo động lực để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn”, Phó Chủ tịch VCCI nhận định.
Trong đó, nền tảng hỗ trợ đầu tiên cần có là khung pháp lý hoàn thiện hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tiếp cận đất đai, vốn thuận lợi hơn, khuyến khích nông hộ chuyển đổi theo mô hình bền vững này.
Đặc biệt, Nhà nước cần có cơ chế chính sách ưu đãi cao hơn những chính sách hiện nay để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn.
Và quan trọng hơn hết, cần có giải pháp dài hạn là đưa doanh nghiệp đến với nông dân cùng xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị. Để hiện thực hóa được khát vọng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp bền vững, nông nghiệp sinh thái, cần nhìn nhận đúng, nâng cao và phát huy được vai trò, sứ mệnh của doanh nghiệp, doanh nhân đối với ngành nông nghiệp.
“Chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trở thành xu thế phát triển tất yếu, là cơ hội để Việt Nam từng bước xây dựng và phát triển nền kinh tế tăng trưởng xanh, mang lại lợi ích bền vững cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp, thể hiện cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế”, Phó Chủ tịch VCCI khẳng định.
Đang thiếu một khung pháp lý cho nông nghiệp tuần hoàn
Trong khi đó, ông Bùi Hải Nam, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp cho biết, hiện nay Việt Nam đứng trước các thách thức lớn về phát triển nông nghiệp như suy thoái tài nguyên, với 11,8 triệu ha đất thoái hóa, ô nhiễm nguồn nước ngầm. Đồng thời, những tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn, buộc Việt Nam phải chuyển đổi sang phát triển nông nghiệp bền vững.
Đặc biệt, Việt Nam đã đưa ra nhiều cam kết chiến lược như hướng tới mục tiêu Net-Zero vào năm 2050, điều này dẫn đến nhu cầu cấp thiết cần phải tái cấu trúc hệ thống lương thực theo hướng phát thải thấp, thông minh với khí hậu (CSA). Đồng thời tích hợp các giải pháp dựa vào thiên nhiên (NbS) và công nghiệp Sinh thái vào chính sách phát triển.

Toàn cảnh diễn đà. (Ảnh: ĐN)
Tuy nhiên, ông Nam chỉ ra, hiện nay thiếu một khung pháp lý và định nghĩa tổng thể, thống nhất cho nông nghiệp sinh thái. Bên cạnh đó, nhiều quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn trong thực thi. Các chính sách hiện hành chỉ gián tiếp tác động đến nông nghiệp sinh thái thay vì tạo ra một khung khổ toàn diện.
Nhiều chính sách vẫn tập trung chủ yếu vào mục tiêu tăng sản lượng, đôi khi mâu thuẫn với mục tiêu bảo vệ môi trường và bền vững.
Ngoài ra, hạn chế trong năng lực thực thi và giám sát vẫn còn tồn tại. Hiệu quả thực thi chính sách chưa cao, việc phân cấp giữa trung ương và địa phương còn mang tính hình thức, chưa tạo được sự chủ động thực chất; Các tiêu chí, mục tiêu và khả năng giám sát, đo đếm kết quả của nông nghiệp sinh thái còn thiếu, đặc biệt ở cấp địa phương.
Đáng chú ý, ông Nam cho rằng, người nông dân thiếu kiến thức, kỹ năng và công cụ để áp dụng các kỹ thuật nông nghiệp sinh thái phức tạp. Năng lực của cán bộ khuyến nông còn hạn chế. Chi phí đầu tư ban đầu và rủi ro thất bại mùa vụ cao khiến nông dân, đặc biệt là hộ nhỏ, ngần ngại chuyển đổi.
Ngoài ra, những hạn chế về năng lực và liên kết cũng là những rào cản lớn. Phân cấp chưa đi kèm với nâng cao năng lực thực thi, nhiều địa phương chưa có chiến lược nông nghiệp sinh thái riêng, dẫn đến triển khai thiếu nhất quán.
Ông Nam cũng nhấn mạnh, hệ thống dữ liệu về đa dạng sinh học, chất lượng đất, nước, khí hậu chưa đầy đủ để hỗ trợ ra quyết định. Mối quan hệ giữa nông dân - doanh nghiệp - nhà nước - viện nghiên cứu chưa chặt chẽ, thiếu các mô hình hợp tác công tư hiệu quả.
Bên cạnh vấn đề về chính sách và thể chế, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam còn nhấn mạnh khó khăn về tài chính.
Phần lớn doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ nông dân. Việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là tài chính xanh, là thách thức rất lớn. Trong khi đó, đầu tư cho sản xuất tuần hoàn bao gồm cả xử lý phụ phẩm, tái chế, phát triển sản phẩm sinh học lại đòi hỏi nguồn lực đáng kể và dài hạn.
Vì vậy, theo ông, rất cần có các chính sách tín dụng đặc thù để hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này nếu muốn thúc đẩy kinh tế tuần hoàn một cách thực chất..
Theo ông Ngọc, để kinh tế tuần hoàn thực sự phát huy hiệu quả, điều quan trọng là làm sao để những nội dung trao đổi tại diễn đàn không chỉ dừng lại ở lý thuyết hay khuyến nghị, mà có thể tiếp tục lan tỏa thông qua nhiều kênh truyền thông, tiếp cận được tới người dân và doanh nghiệp một cách thực chất.
Việc thúc đẩy mô hình tuần hoàn cần được xem là một quá trình chuyển đổi tư duy lâu dài, trong đó chính sách, công nghệ và đổi mới sáng tạo chỉ có thể phát huy nếu gắn chặt với thực tiễn đời sống sản xuất.
“Từ đó, từng bước hình thành một nền nông nghiệp xanh, bền vững và có năng lực cạnh tranh cao hơn trên thị trường trong nước và quốc tế”, ông Ngọc nói.
theocongluan.vn