Nông thôn mới Bình Phước 2025, dành gần 3.000 tỷ đồng đầu tư trọng tâm, trọng điểm
Hàng ngàn tỷ đồng sẽ được tỉnh Bình Phước đầu tư vào xây dựng nông thôn mới (NTM); hàng loạt các quy định mới nhằm tăng cường hơn nữa sự quyết tâm của từng tổ chức, cá nhân, sẽ góp phần đưa Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2025 của tỉnh Bình Phước lên tầm cao mới.
Xây dựng NTM "có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc"
Kế hoạch số 33/KH-UBND ngày 24/1/2025 của UBND tỉnh Bình Phước, về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2025, trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã đặt ra những vấn đề rất cụ thể.
Theo đó, mục tiêu đến hết năm 2025, tỉnh phấn đấu có thêm 1 xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM - lũy kế có 84/86 xã đạt chuẩn NTM. Ngoại trừ 2 xã Nghĩa Bình và Đồng Nai, thuộc huyện Bù Đăng, do 100% diện tích nằm trong quy hoạch khoáng sản theo Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1277/QĐ-TTg ngày 1/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt khu dự trữ khoáng sản quốc gia, nên không thể hoàn thành các chỉ tiêu NTM.

Điểm sáng nổi bật trong xây dựng NTM ở tỉnh Bình Phước thời gian qua là đường giao thông nông thôn. Hầu hết các xã vùng sâu của tỉnh đều hình thành các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã... Ảnh: Phú Riềng
Đặc biệt, UBND tỉnh Bình Phước đã yêu cầu các cấp chính quyền địa phương: Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống người dân ở nông thôn. Tập trung chỉ đạo và thực hiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, hỗ trợ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững với quy mô sản xuất hàng hóa lớn đối với các nhóm sản phẩm chủ lực.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả 6 chương trình chuyên đề trong xây dựng NTM. Tiếp tục thực hiện xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu. Bình quân tiêu chí toàn tỉnh là 18,84/19 tiêu chí (Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM).
Để thực hiện đạt mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh đã đề ra 6 nội dung trọng tâm và 8 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Trong đó, 8 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện bao gồm: Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị trong xây dựng NTM.

Một tuyến đường giao thông nông thôn nối liền 2 xã vùng sâu (huyện Phú Riềng) đang được đầu tư nâng cấp. Ảnh: P.R
Ông Bùi Văn Hiếu – phó Chủ tịch UBND huyện Phú Riềng – cho rằng: "Cái mới của kế hoạch năm 2025, là tỉnh giao trọng trách, khẳng định vai trò của người đứng đầu, phải xác định xây dựng NTM "có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc". Từ đó cho thấy, trách nhiệm hết sức quan trọng của các lãnh đạo, trên vị trí đứng mũi chịu sào, góp phần không nhỏ trong sự thành công của xây dựng NTM".
Gần 3.000 tỷ đồng dốc vào xây dựng NTM
UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu các cấp liên quan phải thường xuyên kiện toàn bộ máy tổ chức, thực hiện chương trình ở các cấp đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến địa phương (huyện, xã).
Ưu tiên bố trí đủ người có tâm huyết, đủ năng lực cho bộ máy tham mưu về xây dựng NTM. Nâng cao năng lực và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM chuyên trách ngày càng chuyên nghiệp.
Ông Lương Đình Hải - phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Bình Phước - cho hay: " Năm 2025, chúng tôi phải tăng cường thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực thực hiện chương trình.
Các đơn vị, địa phương ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư cho địa bàn khó khăn, đảm bảo tập trung, hiệu quả tránh dàn trải, phân tán làm lãng phí nguồn vốn ngân sách. Thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; tăng cường vận động nguồn lực từ doanh nghiệp, các tổ chức".

Trường học được xây dựng để đáp ứng một trong những tiêu chí công nhận xã NTM. Ảnh: Phú Riềng
Song song đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình ở các cấp, ngành. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm vi phạm trong quá trình thực hiện chương trình.
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức đoàn thể các cấp, vai trò chủ thể của người dân trong giám sát, phản biện về kết quả xây dựng NTM ở cơ sở. Tiếp tục và triển khai thực hiện xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Nguồn lực thực hiện chương trình năm 2025 là hơn 2.956 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước gần 303,6 tỷ đồng (bao gồm vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương); vốn huy động khoảng 765 tỷ đồng; vốn lồng ghép khoảng 387,5 tỷ đồng; vốn tín dụng khoảng 1.500 tỷ đồng.

Nâng cấp, mở rộng đường giao thông nông thôn tại huyện Bù Đăng. Ảnh: Thành Danh
Năm 2025, Bình Phước phấn đấu có thêm 9 xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao và 7 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Phấn đấu có thêm huyện Đồng Phú được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM và trình hồ sơ trung ương thẩm định đạt chuẩn NTM đối với thị xã Chơn Thành, huyện Lộc Ninh và huyện Phú Riềng. Huyện Đồng Phú tiếp tục giữ vững và nâng chất các tiêu chí huyện NTM; đồng thời, thực hiện các tiêu chí huyện NTM nâng cao.
Theo lãnh đạo Chương trình: Những năm gần đây, nguồn thu ngân sách của tỉnh giảm, nên đầu tư cho NTM cũng giảm tương ứng. Mặt khác, cộng với việc giao vốn chậm đã ảnh hưởng đến quá trình tổ chức thực hiện và giải ngân cho các địa phương.
Bên cạnh đó, một số địa phương giải ngân không được như kỳ vọng do phải tuân thủ chặt chẽ về xây dựng cơ bản, quy hoạch, trình tự, thủ tục.
Việc chặt chẽ, thận trọng cộng với nguyên nhân khác, nên vốn giải ngân đến cuối tháng 11/2024 mới đạt gần 40%. Vì vậy, kỳ vọng số liệu giải ngân trong năm 2025 sẽ khả quan hơn. Qua đó, góp phần tạo đà và lực cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của tỉnh Bình Phước thăng hoa và tỏa sáng trong năm 2025.
Hoàng Hưng/danviet.vn