Thứ ba, 08/07/2025
  • Click để copy

Ông Trump công bố áp thuế từ 25 đến 40% lên 14 nước từ 1-8

11:24, 08/07/2025

Ông Trump tăng sức ép lên các đối tác thương mại của Mỹ khi đăng tải loạt thư thông báo mức thuế từ 25-40% mà Mỹ sẽ áp lên hàng hóa của 14 nước. Nhà Trắng đồng thời thông báo lùi thời hạn áp thuế đối ứng đến ngày 1-8.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: REUTERS

 Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: REUTERS

Tính đến 17h ngày 7-7 giờ Mỹ (4h sáng ngày 8-7 giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố tổng cộng 14 bức thư gửi các nước, thông báo rằng các mức thuế nhập khẩu cao hơn đáng kể của Mỹ sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-8.

Mỹ áp thuế từ 25 đến 40% với 14 nước

Hai đối tác được thông báo trước tiên là Nhật Bản và Hàn Quốc. Hàng hóa hai nước này xuất khẩu sang Mỹ sẽ bị áp thuế quan 25%.

Tiếp đó, ông Trump thông báo Mỹ sẽ áp thuế 25% đối với Tunisia, Malaysia và Kazakhstan; 30% với Nam Phi, Bosnia và Herzegovina; 35% với Serbia và Bangladesh; 36% với Campuchia và Thái Lan; và 40% với Lào và Myanmar.

Theo Hãng tin Reuters, mức thuế mới sẽ bắt đầu áp dụng từ ngày 1-8 và sẽ không cộng dồn với các loại thuế ngành đã công bố trước đó, chẳng hạn như thuế đối với ô tô, thép và nhôm.

Điều đó đồng nghĩa là mức thuế nhập khẩu xe ô tô từ Nhật Bản vẫn giữ ở mức 25%, chứ không phải cộng dồn lên 50% với mức thuế mới như một số mặt hàng khác từng bị áp mức thuế tương tự từ ông Trump.

 Danh sách các mức thuế mới mà Mỹ áp với 14 nước theo thư thông báo của ông Trump (cột chữ màu đỏ), so với mức từng đe dọa trước đó - Ảnh: NEW YORK TIMES

 Danh sách các mức thuế mới mà Mỹ áp với 14 nước theo thư thông báo của ông Trump (cột chữ màu đỏ), so với mức từng đe dọa trước đó - Ảnh: NEW YORK TIMES

Theo Đài CNN, trong các bức thư, ông Trump bày tỏ đặc biệt quan tâm đến thâm hụt thương mại giữa Mỹ và các quốc gia này. Ông lưu ý rằng các mức thuế được áp dụng nhằm đáp trả những chính sách mà ông cho là đang cản trở hàng hóa của Mỹ được bán ra nước ngoài.

Tổng thống Trump cũng khuyến khích các nhà lãnh đạo nước ngoài đưa hoạt động sản xuất sang Mỹ để tránh phải chịu thuế.

Trong cả 14 bức thư, ông Trump đều đe dọa sẽ tăng thuế cao hơn nữa so với các mức đã công bố, nếu quốc gia đó đáp trả bằng cách áp thuế lên hàng hóa của Mỹ.

Cánh cửa đàm phán vẫn mở

Hồi tháng 4, ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế đối ứng với hàng trăm nền kinh tế, nhưng sau đó hoãn 90 ngày để đàm phán. Động thái ngày 7-7 của ông Trump diễn ra ngay trước hạn chót 9-7, thời điểm lệnh tạm hoãn 90 ngày kết thúc.

Cách đây ít phút, Nhà Trắng vừa ban hành một sắc lệnh hành pháp, lùi thời hạn áp dụng trở lại các mức thuế đối ứng của ông Trump cho đến 0h01 ngày 1-8.

Trước đó vào cùng ngày, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt thông báo Tổng thống Trump sẽ ký sắc lệnh lùi hạn chót với lý do "vì lợi ích tốt nhất cho người Mỹ".

Theo CNN, số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy nước này đã nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá 465 tỉ USD từ 14 quốc gia nhận được thư hôm 7-7.

Trong đó, Nhật Bản và Hàn Quốc - đối tác thương mại lớn thứ 6 và 7 của Mỹ - chiếm 60% tổng giá trị với 280 tỉ USD hàng hóa xuất sang Mỹ vào năm 2024.

Mức thuế 25% ông Trump áp lên hai nước này là ngang bằng hoặc cao hơn mức thuế đưa ra hồi tháng 4. Khi đó, Nhật Bản được thông báo sẽ đối mặt với mức thuế 24%, trong khi Hàn Quốc là 25%.

 Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt giơ bức thư thông báo thuế quan mà Tổng thống Donald Trump gửi cho Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae Myung ngày 7-7 - Ảnh: REUTERS

 Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt giơ bức thư thông báo thuế quan mà Tổng thống Donald Trump gửi cho Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae Myung ngày 7-7 - Ảnh: REUTERS

Các nước còn lại trong nhiều trường hợp lại là nguồn cung nước ngoài hàng đầu cho Mỹ ở một số mặt hàng.

Chẳng hạn, Nam Phi - quốc gia chịu mức thuế 30% - chiếm khoảng một nửa lượng bạch kim mà Mỹ nhập khẩu từ nước ngoài năm 2024, và là nhà cung cấp số một của mặt hàng này.

Malaysia, dự kiến phải chịu mức thuế 24% (so với mức 25% ông Trump công bố hồi tháng 4) là nguồn cung chất bán dẫn lớn thứ hai cho Mỹ vào năm ngoái, với giá trị nhập khẩu lên đến 18 tỉ USD.

Trong khi đó, Bangladesh, Indonesia và Campuchia là các trung tâm sản xuất hàng may mặc và phụ kiện hàng đầu.

Trong thư gửi Thủ tướng Campuchia, ông Trump đe dọa mức thuế 36%, thấp hơn 13 điểm % so với mức áp dụng hồi tháng 4 trước khi bị tạm hoãn.

Mặc dù ông Trump từng nhiều lần bày tỏ quan ngại về thương mại với Liên minh châu Âu (EU), nhưng dường như khối này vẫn chưa nhận được lá thư từ ông.

"Chúng tôi không bình luận về những bức thư mà mình chưa nhận được" - ông Olof Gill, người phát ngôn Ủy ban châu Âu, nói với báo giới chiều 7-7.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Ireland Simon Harris nhấn mạnh: "Theo tôi hiểu, chúng ta có thể kỳ vọng rằng hiện tại sẽ có một đợt gia hạn cho đến ngày 1-8, nhằm tạo thêm thời gian để EU và Mỹ đạt được một thỏa thuận nguyên tắc có lợi cho cả hai bên".

theotuoitre.vn

Tin khác

Kinh tế xanh 1 ngày trước
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nhóm BRICS đã vượt qua nhóm 7 nước công nghiệp phát triển G7 (gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Mỹ) về GDP.
Kinh tế xanh 3 ngày trước
GDP quý II/2025 tăng trưởng tích cực với tốc độ tăng ước đạt 7,96% so với cùng kỳ năm trước.
Kinh tế xanh 4 ngày trước
Phó Thủ tướng Mai Văn Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Triển lãm thành tựu Đất nước nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh ký Quyết định số 90/QĐ-BCĐ phê duyệt Đề án tổ chức Triển lãm này.
Kinh tế xanh 4 ngày trước
Tính đến ngày 26/6/2025, dư nợ toàn hệ thống đạt trên 16,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2024, tăng 18,87% so với cùng kỳ năm 2024. Phó Thống đốc nhấn mạnh, đây cũng là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất kể từ 2023 đến nay.
Kinh tế xanh 5 ngày trước
Tổng thống Trump viết: “Tôi vừa đạt được một thỏa thuận thương mại với Việt Nam. Các chi tiết sẽ được cung cấp sau!”.