Thứ bảy, 21/12/2024
  • Click để copy

Sản phẩm OCOP khẳng định vị thế, xuất khẩu sang loạt thị trường khó tính

07:15, 04/12/2024

Sản phẩm OCOP cũng đã bước đầu khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu và lao động địa phương, đặc biệt là dịch vụ du lịch nông thôn.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

 Các sản phẩm OCOP không chỉ mang nét đặc trưng về văn hóa và truyền thống mà còn đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và quốc tế - Ảnh: IT

 Các sản phẩm OCOP không chỉ mang nét đặc trưng về văn hóa và truyền thống mà còn đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và quốc tế - Ảnh: IT

Sản phẩm OCOP gồm 5 hạng sao: Hạng 5 sao (sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế); hạng 4 sao (sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thể nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế); hạng 3 sao (sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thể phát triển lên hạng 4 sao); hạng 2 sao (sản phẩm chưa đạt đầy đủ tiêu chuẩn, có thể phát triển lên hạng 3 sao); hạng 1 sao (sản phẩm yếu, có thể phát triển lên hạng 2 sao).

Theo các chuyên gia, sản phẩm OCOP đã góp phần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất gắn với kinh doanh nông nghiệp, đặc biệt là gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển kinh tế, dịch vụ và du lịch của các địa phương. Khi các khu vực nông thôn phát triển và khởi sắc, đó là minh cho sự tiến bộ trong việc thay đổi tư duy sản xuất, mới đạt được kết quả hiện nay.

Có thể thấy, chương trình OCOP đã góp phần quan trọng trong chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp thủ công, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học, công nghệ. Các chủ thể OCOP đẩy mạnh việc đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đầu tư mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Sau thời gian thực hiện chương trình, số sản phẩm tham gia và được công nhận sản phẩm OCOP tại Việt Nam ngày càng nhiều, phong phú về chủng loại, mẫu mã, kiểu dáng... Ngày càng có nhiều sản phẩm tốt với chất lượng cải thiện, thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài nước. Sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có chỉ dẫn địa lý gắn với địa danh xuất xứ sản phẩm và chủ thể sản xuất, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và thuận tiện cho cơ quan quản lý trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát sản phẩm.

Nhiều sản phẩm OCOP được đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng, tiếp cận thị trường xuất khẩu hướng đến cả những thị trường khó tính, có giá trị cao. Các khu vực nông thôn đã và đang hình thành nhiều vùng du lịch OCOP cùng với phát triển nhiều loại sản phẩm hàng hóa, góp phần phục vụ phát triển du lịch của các địa phương như ẩm thực, chữa bệnh, làm đẹp, hàng tiêu dùng, quà lưu niệm… Sản phẩm OCOP cũng đã bước đầu khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu và lao động địa phương, đặc biệt là dịch vụ du lịch nông thôn.

Sản phẩm OCOP có ảnh hưởng ngày một lớn, có sức tiêu thụ tốt, nên được nhiều doanh nghiệp thương mại, siêu thị lớn đặt hàng đưa vào hệ thống phân phối ổn định. Thực tế cho thấy sau khi sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, đầu ra sản phẩm tốt hơn rất nhiều bởi được người tiêu dùng ưa chuộng hơn.

Nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng cao đã được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như miến dong Tài Hoan (Bắc Kạn), cà phê Bích Thao (Sơn La), đường thốt nốt Palmania (An Giang), gạo ST24 (Sóc Trăng), gạo đặc sản Thiên Vương (An Giang), chè hữu cơ Bản Liền (Lào Cai), miến dong Việt Cường (Thái Nguyên), mắm tôm Lê Gia (Thanh Hóa), Ladoactiso cao ống (Lâm Đồng), cà phê rang xay Darmark (Kon Tum), muối NADISALT (Nam Định)... đã xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Đức, Đan Mạch, Séc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc...

Quan trọng hơn là các sản phẩm OCOP đều gia tăng giá trị, giúp chủ thể mở rộng quy mô sản xuất và tăng doanh thu, tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư và xã hội.

Theo thống kê của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn), hiện cả nước đã có trên 14.000 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Trong đó 72,1% sản phẩm 3 sao; 25,8% sản phẩm 4 sao; 2,1% sản phẩm 5 sao và tiềm năng 5 sao. Hiện các địa phương khu vực đồng bằng sông Hồng dẫn đầu cả nước với số lượng sản phẩm OCOP chiếm hơn 30% tổng lượng sản phẩm OCOP của cả nước, đồng bằng sông Cửu Long đứng thứ hai với hơn 18%, tiếp đến là miền núi phía bắc chiếm hơn 16%, thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ với sản phẩm chỉ chiếm khoảng 6%.

Đến nay, có 7.846 chủ thể tham gia OCOP, trong đó có 32,8% là hợp tác xã, 22,7% là doanh nghiệp nhỏ, 38,6% là cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Đặc biệt, đã có hơn 2.420 hợp tác xã có sản phẩm OCOP, từng bước chuyển đổi hoạt động, thực hiện chức năng tiêu thụ sản phẩm, gắn với việc xây dựng sản phẩm có tiêu chuẩn, quy chuẩn, bao bì, nhãn mác và thương hiệu của hợp tác xã, thay vì chỉ làm các dịch vụ đầu vào cho các thành viên.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, với lợi thế và tiềm năng đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, khí hậu và văn hóa đặc trưng…, Việt Nam không chỉ thành công về xuất khẩu nông sản thế mạnh, mà còn là một quốc gia có nhiều bản sắc với các sản phẩm đặc sản, sản vật và làng nghề truyền thống, mang giá trị văn hóa địa phương, thể hiện rõ nét nhất là hình ảnh các sản phẩm OCOP Việt Nam. Đó là những sản phẩm thể hiện giá trị, tinh hoa văn hóa Việt Nam qua từng câu chuyện sản phẩm, ở đó thể hiện những khát vọng, hình ảnh của người nông dân gắn với từng miền quê Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Hoan, sản phẩm OCOP vẫn còn nhiều dư địa phát triển, nhiều yêu cầu cần hoàn thiện, để có thể vươn xa hơn vào thị trường quốc tế. Sản phẩm OCOP là giá trị, bản sắc Việt Nam, sản phẩm OCOP cần được cạnh tranh bằng giá trị văn hóa khi tiếp cận thị trường. Ngày nay, người tiêu dùng không chỉ mua sản phẩm mà mua "câu chuyện tạo ra sản phẩm", do vậy câu chuyện càng đặc biệt thì giá cả càng khác biệt, càng dễ truyền thông và quảng bá sản phẩm đến thị trường. Vì thế, câu chuyện cần phải được xây dựng bằng các giá trị khác biệt về văn hóa, tri thức bản địa, phải được thể hiện trên bao bì, nhãn mác; câu chuyện không chỉ tạo cảm xúc cho người tiêu dùng, mà còn nâng cao niềm tự hào về quê hương, xứ sở. Đó phải là yếu tố tiên quyết và là khát vọng để các chủ thể xây dựng và hoàn thiện sản phẩm OCOP.

Bên cạnh đó, chủ thể OCOP cần phải chuẩn bị và sẵn sàng về hành trang để hội nhập, bên cạnh những yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, năng lực và sự chủ động thương mại, các yêu cầu để tham gia vào chuỗi phân phối (xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, năng lực logistic,...), các chủ thể OCOP cần linh hoạt, sáng tạo trong xây dựng và thiết kế sản phẩm, đó là câu chuyện về bao bì, cách đóng gói phù hợp với từng đối tượng khách hàng và yêu cầu của thị trường. Cùng với đó, các chủ thể OCOP cần thay đổi tư duy, thói quen thương mại, đó là uy tín, là trách nhiệm đối với đối tác và người tiêu dùng.

 

Nguồn:1thegioi.vn

Tin khác

Sản phẩm 1 ngày trước
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thời gian qua, các chủ thể OCOP của Hà Nội đã chú trọng phát triển các vùng nguyên liệu nông sản chất lượng cao mang đặc trưng từng vùng miền.
Sản phẩm 1 tuần trước
Để sản phẩm OCOP thực sự trở thành hàng hóa cạnh tranh trên thị trường, việc nâng cao chất lượng, phát triển sản phẩm mới là cần thiết mà Quảng Ninh hướng tới.
Sản phẩm 2 tuần trước
Tối 5/12, tại Quảng trường Vạn Xuân, TP.Phổ Yên, Sở Công thương Thái Nguyên phối hợp với UBND TP.Phổ Yên tổ chức chương trình xúc tiến thương mại “Festival nông sản, OCOP, làng nghề gắn kết du lịch - Thái Nguyên 2024”.
Sản phẩm 2 tuần trước
Sản phẩm OCOP cũng đã bước đầu khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu và lao động địa phương, đặc biệt là dịch vụ du lịch nông thôn.
Sản phẩm 2 tuần trước
Đang trên đà tăng mạnh và chuẩn bị vượt đỉnh lịch sử 134.000 đồng/kg, giá cà phê bất ngờ giảm sốc. Chỉ trong 1 ngày, mỗi tấn cà phê nhân “bốc hơi” gần 20 triệu đồng - mức giảm kỷ lục lịch sử.