Sẵn sàng kịch bản ứng phó với chính sách thuế mới của Mỹ
Sáng 9/4, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học “Tăng trưởng kinh tế TP Hồ Chí Minh trước tác động chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ”. Tại đây, đại diện các ngành hàng, doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế đã đề xuất nhiều giải pháp để ứng phó với chính sách thuế mới của Mỹ.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo
Tìm giải pháp...
Là ngành hàng chịu tác động lớn nếu Mỹ áp dụng thuế suất cao, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh cho biết, ngay khi Mỹ công bố mức thuế tăng mạnh, hội cũng kết nối liên tục để cập nhật tình hình các doanh nghiệp. Bởi hơn 50% hội viên đều xuất khẩu sang Mỹ, tổng doanh số của thị trường này cũng chiếm tới 52%.
Trước đó, khi nghe thông tin ban đầu về thuế suất mới, nhiều doanh nghiệp rất hoang mang. Xuất hiện nỗi lo ngay lập tức là các đơn hàng có thể bị hủy, ngừng xuất khẩu nhưng sáng nay thấy anh em vẫn xuất khẩu bình thường, doanh nghiệp lớn chưa có động thái ngưng đơn hàng, nên mọi thứ cũng bình tĩnh hơn.
Theo ông Phương, hiện nay phía doanh nghiệp Việt và đối tác Mỹ vẫn đang trao đổi qua lại về việc có ngưng đơn hàng hay không, thích ứng với tình huống thế nào. Giải pháp trước mắt còn trông chờ vào việc đàm phán từ Chính phủ. Trong thời gian đàm phán, có thể giúp trì hoãn việc áp thuế từ 45 - 90 ngày trở lên để doanh nghiệp có phương án xoay xở. Song song đó, cần tháo gỡ các rào cản thương mại cho doanh nghiệp.
Cũng theo Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh, nếu tình hình Mỹ vẫn áp thuế cao, nhà mua hàng ngưng đơn hàng, lúc này các công ty sẽ khó khăn về dòng tiền, vì vậy doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có động thái hỗ trợ, tương tự như đợt dịch COVID-19.
Về lâu dài, Việt Nam phải cơ cấu lại sự phát triển ngành, gia tăng xúc tiến thương mại đa dạng. Song song đó, áp dụng ưu đãi thuế hấp dẫn cho đồ gỗ xuất xứ Việt Nam nhưng nhập khẩu nguyên liệu từ Mỹ. Cách này cũng có thể dùng cho các ngành khác.

Đại diện các doanh nghiệp tham dự phát biểu
Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may - thêu - đan TP Hồ Chí Minh cho biết, thị trường Mỹ rất quan trọng với doanh nghiệp dệt may, chiếm tỉ trọng trung bình 20 - 30% doanh thu, có nơi chiếm tới 70% doanh thu. Năm vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 44 tỷ USD, trong đó thị trường Mỹ cán mốc 18 tỷ USD.
Trước mắt, để đối phó với tình huống này, chúng ta có thể đề xuất giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng (VAT). Ngoài ra, dự báo trong vòng 3 - 6 tháng tới các doanh nghiệp sẽ bị kẹt dòng tiền, cần phía ngân hàng hỗ trợ.
Về dài hạn, Chính phủ cần có chiến lược bài bản, tạo điều kiện để doanh nghiệp nội địa được chuyển đổi chuỗi cung ứng, đa dạng nguồn nhập nguyên liệu; đồng thời giúp doanh nghiệp chuyển đổi xanh, ứng dụng công nghệ cao...
Đại diện cho doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, với mức thuế suất đối ứng 46% sẽ làm giảm sức cạnh tranh của các mặt hàng chủ chốt của TP Hồ Chí Minh vào thị trường Hoa Kỳ; trong khi các đối thủ cạnh tranh trực tiếp lại có mức thuế thấp hơn đáng kể như Trung Quốc (34%), Ấn Độ (26%); Thái Lan (37%)…
Trong khu vực Đông Nam Á, mức thuế suất đối ứng 46% sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu hút vốn FDI sản xuất đang dịch chuyển vào Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng.
Với mức thuế suất đối ứng 46% sẽ làm cho TP Hồ Chí Minh không có lợi thế cạnh tranh trong vị trí là điểm đến cho hoạt động sản xuất hướng đến xuất khẩu, đặc biệt là đối với các mặt hàng hướng đến thị trường Mỹ. Chi phí xuất khẩu gia tăng sẽ làm các doanh nghiệp FDI có xu hướng tìm kiếm các quốc gia khác có mối quan hệ thương mại ổn định hơn với Hoa Kỳ.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh
Về dài hạn, theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, dòng vốn FDI dịch chuyển vào lĩnh vực sản xuất sẽ có nguy cơ chững lại. Đồng thời, việc duy trì các khoản đầu tư hiện hữu cũng trở thành thách thức khi doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí tăng cao và khả năng tiếp cận thị trường Hoa Kỳ bị thu hẹp.
Bên cạnh đó, tỷ giá sẽ chịu thêm sức ép do Việt Nam cần phải tăng cường nhập khẩu từ Mỹ nhằm thu hẹp thặng dư thương mại với nước này. Một số ngành nghề cũng bị tác động như: Dệt may, ngành đồ gỗ và sản phẩm từ gỗ, ngành nông, thủy sản, ngành điện tử và linh kiện…
Chủ động ứng phó
Ông Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho biết, để ứng phó với các chính sách thuế suất mới của Mỹ, Viện đã đưa ra một số kịch bản tăng trưởng kinh tế TP Hồ Chí Minh sắp tới. Cụ thể có kịch bản cho tăng trưởng thấp (bi quan nhất, mức thuế suất đối ứng giữ nguyên 46%); kịch bản đàm phán một phần và đạt mức thuế suất 25%; kịch bản căng thẳng thương mại được tháo gỡ sớm, mức thuế suất áp dụng là 5 - 15%.
"Các kịch bản được xây dựng với giả định yếu tố trong điều kiện TP Hồ Chí Minh chủ động và tăng tốc nội lực thông qua thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế như đầu tư và tiêu dùng. Cụ thể, tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 620.000 tỷ đồng và tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,4%.
Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh còn đề xuất một số giải pháp liên quan như giải pháp về xuất - nhập khẩu, giải pháp giải quyết các rào cản liên quan đối với hàng hóa nhập khẩu, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, thu hút đầu tư...", ông Huy Vũ nói.

Ngành dệt may đang chịu nhiều áp lực từ chính sách áp thuế mới của Mỹ
Còn theo GS.TS Trần Ngọc Anh (Đại học Indiana, Hoa Kỳ) cho rằng, Việt Nam cần định hình 4 mục tiêu: Hàng Việt Nam phải vào Hoa Kỳ ở phân khúc thị trường cao hơn; mở rộng xuất khẩu dịch vụ; nâng năng lực doanh nghiệp Việt Nam; đẩy nhanh xây dựng và triển khai đề án phát triển kinh tế tư nhân.
Muốn đạt mục tiêu trên, Việt Nam cần phát triển, giải quyết điểm nghẽn bằng dữ liệu thời gian thực; xây dựng hệ thống quản trị thực thi (hiệu lực, hiệu quả cao); thành lập nhóm tư vấn và đối thoại thường xuyên; xây dựng các khu kinh tế kết nối với Singapore, Châu Âu và Nhật Bản.
Liên quan đến vấn đề thuế suất của Mỹ, ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, trong tuần qua, thế giới và Việt Nam hết sức ngạc nhiên trước việc Hoa Kỳ áp thuế đối với 60 nước, trong đó Việt Nam là một trong những nước chịu thuế cao nhất là 46%.
Với vai trò TP Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế cả nước, việc áp thuế này sẽ ảnh hưởng lớn đến TP Hồ Chí Minh và những dự định của thành phố trong năm 2025, khi đó hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài, đặc biệt là Mỹ giảm sức cạnh tranh, giá tăng cao.
Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, đối với thị trường Mỹ, các doanh nghiệp xuất khẩu cần bình tĩnh, đón nhận, phân tích, theo dõi diễn biến tình hình để có giải pháp thích ứng phù hợp nhất.
Dù kết quả đàm phán thế nào, trước mắt thành phố vẫn giữ nguyên kịch bản tăng trưởng năm 2025 với mục tiêu 2 con số và thành phố vẫn tiếp tục theo dõi, chuẩn bị, chủ động và linh hoạt các biện pháp ứng phó khi thuế suất mới được áp dụng.
Đáng chú ý, thành phố cũng sâu sát, theo dõi “sức khỏe sản xuất” của các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất ngành hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ để có biện pháp hỗ trợ kịp thời khi thuế mới được thực thi. Thành phố cũng tăng cường kích thích đầu tư công, dẫn dắt đầu tư tư nhân. Quan trọng là tháo gỡ vướng mắc 571 dự án còn vướng mắc, tồn đọng để tăng doanh thu, thúc đẩy tiêu thụ nội địa.
Đối với công tác cải cách thủ tục hành chính, người đứng đầu chính quyền thành phố nhấn mạnh: “Đây là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt, thành phố sẽ cắt giảm các khâu trung gian, cắt giảm thủ tục mạnh mẽ hơn nữa.
Ngoài ra, thành phố sẽ tái cơ cấu lại các chương trình xúc tiến đầu tư, giao thương, đeo bám vào các thị trường xuất khẩu lớn, tiềm năng và mang tính ổn định; tái cơ cấu lại, tăng hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam, tăng giá trị của hàng Việt Nam”.
Theotuoitrethudo.vn