Thực hiện Luật Đất đai 2024, Đắk Lắk đang gỡ vướng tại hàng trăm ngàn ha đất nông lâm trường
Đắk Lắk đang gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai Luật Đất đai 2024 vào thực tiễn. Việc xử lý diện tích đất nông, lâm trường còn nhiều vướng mắc, gây ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế và thu hút đầu tư tại địa phương.
Tại cuộc họp ngày 8/10, Ban chỉ đạo quản lý, sử dụng đất của các công ty nông lâm nghiệp tỉnh Đắk Lắk đã thảo luận về những thách thức trong việc áp dụng Luật Đất đai 2024 vào thực tiễn.
Với 51 tổ chức nông, lâm nghiệp, Vườn Quốc gia và Ban quản lý rừng đang sử dụng hơn 512.000 ha đất, tương đương khoảng 39% diện tích toàn tỉnh. Đắk Lắk cũng là tỉnh có nhiều công ty nông, lâm nghiệp nhất vùng Tây Nguyên và cả nước.
Mặc dù tỉnh đã thực hiện rà soát hơn 188.000 ha đất của các nông lâm trường để bàn giao cho địa phương quản lý, nhưng đến nay chỉ có 2 phương án sử dụng đất được phê duyệt. 20 phương án khác vẫn đang trong quá trình chỉnh sửa, bổ sung.
Theo Ban chỉ đạo quản lý, sử dụng đất của các công ty nông lâm nghiệp tỉnh Đắk Lắk, các quy định liên quan đến việc lập, thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất đối với diện tích nông lâm trường bàn giao về địa phương của Luật Đất đai 2024 có nhiều thay đổi nhưng lại không có quy định chuyển tiếp.
Dẫn đến UBND cấp huyện đang lúng túng, gặp vướng mắc trong việc hoàn thiện đối với 20 phương án sử dụng đất còn lại. Trường hợp phải lập lại toàn bộ các phương án theo Luật mới sẽ tốn nhiều thời gian, nguồn lực, kinh phí, cần xem xét, thống nhất để có hướng xử lý phù hợp với các quy định hiện hành.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, ông Nguyễn Thiên Văn, nhấn mạnh việc chậm trễ trong phê duyệt các phương án sử dụng đất có nguồn gốc nông lâm trường đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế và an sinh xã hội tại địa phương.
Trong đó ngay cả những đơn vị đã được phê duyệt phương án sử dụng đất vẫn gặp nhiều bất ổn trong quá trình thực hiện. Theo ông Nguyễn Thiên Văn cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành và chính quyền cấp huyện để đẩy nhanh tiến độ triển khai Luật Đất đai 2024.
"Cần phải xem xét rõ ràng những khu vực nào không thể quản lý hoặc đã bị xâm chiếm hoàn toàn thì cần giao lại cho địa phương để tiếp tục rà soát và xử lý.
Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cần có hướng dẫn cụ thể cho các công ty nông lâm nghiệp và các quy định chế tài phải được làm rõ để có thể thực hiện một cách hiệu quả.
Quá trình này đòi hỏi sự khẩn trương, thận trọng và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan, đặc biệt là khối nội chính", ông Nguyễn Thiên Văn nhấn mạnh.
Nguồn:danviet.vn