Thứ ba, 15/07/2025
  • Click để copy

Tỷ phú Đồng Nai là một nông dân nuôi tôm công nghệ cao, gây dựng cơ nghiệp lớn từ 2 bàn tay trắng

07:47, 15/07/2025

Với sự quyết đoán, dám nghĩ dám làm và tinh thần vượt khó, anh Nguyễn Huy Bình, tỷ phú Đồng Nai, Giám đốc Hợp tác xã DV– TM – Thủy sản Thành Công (xã Phước An, tỉnh Đồng Nai) đã vươn lên thành công từ hai bàn tay trắng. Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của HTX cho doanh thu hơn 35 tỷ đồng/năm.

Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề nuôi tôm, anh Bình cho biết: “Xã Phước An có điều kiện môi trường nước lợ rất phù hợp với nuôi trồng thủy sản, nhất là tôm. Tuy nhiên, trước đây bà con nơi đây chủ yếu nuôi theo hình thức truyền thống, kỹ thuật chưa cao nên hiệu quả kinh tế không ổn định. Dịch bệnh thường xuyên xảy ra do khâu vệ sinh ao nuôi chưa được chú trọng”.

Không chấp nhận thực trạng đó, anh Bình đã dành thời gian tham quan, học hỏi từ nhiều địa phương có ngành nuôi tôm phát triển như Cà Mau, Bạc Liêu…

Từ những chuyến đi thực tế, anh nhận thấy mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao mang lại năng suất vượt trội và hiệu quả kinh tế bền vững.

Với tư duy đổi mới, anh quyết định trở thành một "nông dân công nghệ", bắt đầu hành trình khởi nghiệp với nghề nuôi tôm hiện đại.

Con đường khởi nghiệp của anh Bình không hề bằng phẳng. Khi bắt đầu, anh không có đất sản xuất, không có vốn đầu tư.

Tuy nhiên, với quyết tâm thay đổi cuộc sống, anh đã vận động người thân cho thuê 2,3 ha đất, hỗ trợ vốn, đồng thời được Hội Nông dân xã Phước An giới thiệu vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân 30 triệu đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nhơn Trạch 30 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Có vốn và đất, anh chính thức bắt tay vào xây dựng hệ thống 3 ao nuôi.

 Anh Nguyễn Huy Bình, nông dân giỏi tỉnh Đồng Nai mang về doanh thu hơn 35 tỷ đồng mỗi năm với mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Vân Nguyễn

 Anh Nguyễn Huy Bình, nông dân giỏi tỉnh Đồng Nai mang về doanh thu hơn 35 tỷ đồng mỗi năm với mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Vân Nguyễn

Trong 2 năm đầu (2016–2017), anh đã thu được những kết quả tích cực, với mỗi ha anh thu được 300-400 triệu đồng tiền lãi, mỗi năm nuôi được 3-4 vụ.

Từ lợi nhuận thu được anh tiếp tục tái đầu tư thêm 5 rồi 11 ao nuôi, rồi mua đất đai để mở rộng diện tích lên 13 ha với 26 ao nuôi tôm, thuê thêm lao động, nâng cấp trang thiết bị và tối ưu quy trình nuôi.

 Mô hình nuôi tôm của anh Bình tại Đồng Nai được đầu tư bài bản và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình nuôi. Ảnh: ĐVCC

 Mô hình nuôi tôm của anh Bình tại Đồng Nai được đầu tư bài bản và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình nuôi. Ảnh: ĐVCC

Ứng dụng công nghệ, tạo đột phá hiệu quả

Điểm đặc biệt trong mô hình của anh Bình là sự đầu tư bài bản và ứng dụng khoa học kỹ thuật. Anh thiết kế ao nuôi nổi bằng bê tông tròn, tăng cường hệ thống ống dẫn oxy, bổ sung khoáng chất và vi lượng sinh học để nâng cao sức đề kháng cho tôm.

Ngoài ra, anh còn cải tiến máy cho ăn tự động, giúp giảm chi phí và kiểm soát lượng thức ăn hiệu quả.

Để bảo vệ môi trường và đảm bảo nguồn nước ổn định, yếu tố then chốt trong nuôi tôm, anh xây dựng hệ thống xử lý nước thải qua ao lắng kết hợp nuôi cá rô phi nhằm tận dụng thức ăn dư thừa và hạn chế ô nhiễm.

Nhờ quy trình khép kín, chủ động kiểm soát môi trường ao nuôi, mô hình của anh cho năng suất cao. Mỗi ha cho thu hoạch từ 20–25 tấn/vụ, mỗi năm nuôi 3 vụ, sau khi trừ chi phí, lãi ròng mỗi ha đạt từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng.

Tổng doanh thu hàng năm lên đến hơn 35 tỷ đồng, là một con số rất đáng khích lệ trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Mô hình làm giàu tiêu biểu cần được nhân rộng

Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Bình còn chú trọng hỗ trợ người dân xung quanh. Anh đã hỗ trợ kỹ thuật cho hơn 10 hội viên, hướng dẫn cách xử lý ao, chọn con giống, sử dụng vi sinh, phòng bệnh…

 Nhờ áp dụng quy trình xử lý môi trường nghiêm ngặt, kết hợp vi sinh và công nghệ cho ăn tự động, mô hình cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với  trước đây. Ảnh: Vân Nguyễn

 Nhờ áp dụng quy trình xử lý môi trường nghiêm ngặt, kết hợp vi sinh và công nghệ cho ăn tự động, mô hình cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với  trước đây. Ảnh: Vân Nguyễn

Đồng thời, phối hợp cùng Hội Nông dân xã hỗ trợ vốn và con giống cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Nhận thấy sự cần thiết của việc liên kết sản xuất, năm 2018, anh Bình cùng 8 hội viên khác thành lập Hợp tác xã Dịch vụ – Thương mại – Thủy sản Thành Công, với vai trò giám đốc. HTX không chỉ là nơi chia sẻ kinh nghiệm, mà còn là đầu mối tiêu thụ sản phẩm, giúp bà con an tâm sản xuất.

Mỗi năm, anh tổ chức hướng dẫn kỹ thuật cho hơn 35 hội viên và giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động, trong đó có 6 lao động địa phương, thu nhập 7 triệu đồng/tháng và 7 lao động ngoại tỉnh được hỗ trợ ăn ở, thu nhập 12 triệu đồng/tháng.

Ngoài sản xuất, anh Bình còn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Anh cùng hội viên vận động người dân hiến đất làm đường, lắp đặt 12 bóng đèn chiếu sáng tại tổ 6, góp phần cải thiện hạ tầng nông thôn.

Trong công tác Hội, anh thường xuyên vận động cán bộ, hội viên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tư vấn nghề cho lao động nông thôn… Những đóng góp của anh đã được tỉnh Đồng Nai, Hội Nông dân Việt Nam khen thưởng...

Bà Nguyễn Thị Thu Dinh, Phó Trưởng Ban Kinh tế – Xã hội Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai nhận định: “Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của anh Nguyễn Huy Bình rất phù hợp với điều kiện nước lợ tại địa phương. Nhờ áp dụng quy trình xử lý môi trường nghiêm ngặt, kết hợp vi sinh và công nghệ cho ăn tự động, mô hình này cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với nuôi quảng canh hay thâm canh trước đây. Đây là mô hình tiêu biểu nên được nhân rộng”.

Từ người nông dân không vốn, không đất, anh Nguyễn Huy Bình đã thành công với nghề nuôi tôm công nghệ cao. Anh là minh chứng cho tinh thần vượt khó, sáng tạo và gắn kết cộng đồng trong xây dựng nền nông nghiệp hiện đại và bền vững.

theodanviet.vn

Tin khác

Nông - lâm - thủy sản 4 ngày trước
Giá dứa tăng cao kỷ lục đang mang lại niềm vui lớn cho hàng nghìn hộ nông dân tại vùng trồng dứa trọng điểm phía Nam tỉnh Ninh Bình.
Nông - lâm - thủy sản 6 ngày trước
Bộ Nông nghiệp và Môi trương đã ban hành Thông tư 26/2025/TT-BNNMT quy định về quản lý lâm sản; xử lý lâm sản, thủy sản là tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Nông - lâm - thủy sản 1 tuần trước
Lô hàng cá tra, basa và cá rô phi đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu sang Brazil trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva. Ngoài thủy sản, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong ngành cà phê, gạo...
Nông - lâm - thủy sản 1 tuần trước
Bộ Nông nghiệp và Môi trường xây dựng ba kịch bản tăng trưởng và xuất khẩu nông lâm thủy sản tương ứng với ba mức thuế mà Mỹ có thể áp dụng, ban hành kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu để đạt 65 tỉ USD.
Nông - lâm - thủy sản 1 tuần trước
Bộ Nông nghiệp và Môi trường xây dựng 3 kịch bản về tác động của thuế đối ứng của Mỹ với xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.