Xuất khẩu nông sản tăng 50%, 2 tháng đầu năm đã đạt gần 10 tỷ USD
Hai tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thủy sản nước ta ước đạt 9,84 tỷ USD, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là ngành nông nghiệp đã xuất siêu tới 2,68 tỷ USD, tăng gần 2,9 lần so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu đạt tỷ đô la
Cụ thể, theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông sản trong tháng 2/2024 đạt 4,48 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước và giảm 16,5% so với tháng 01/2024. Trong đó, nông sản chính đạt 2,34 tỷ USD (tăng 21,6% so với tháng 2/2023), lâm sản chính đạt 1,34 tỷ USD (tăng 40,3%), thủy sản 620 triệu USD (tăng 1,9%), chăn nuôi 34 triệu USD (tăng 6,2%), đầu vào sản xuất 142 triệu USD (giảm 7,4%).
Tính chung 2 tháng đầu năm, các nhóm hàng xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm trước nên kim ngạch xuất khẩu tăng cao, đạt tới 9,84 tỷ USD.
Để đạt được con số đáng mừng này là do hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước. Đơn cử như sản phẩm gỗ đạt 1,68 tỷ USD (tăng 59%), cà phê đạt 1,38 tỷ USD (tăng 85%). Nhóm hàng rau quả đạt 970 triệu USD (tăng 72,8%); gạo 708 triệu USD (tăng 49,8%), hạt điều 595 triệu USD (tăng 68,2%), tôm 403 triệu USD (tăng 20,5%). Riêng cá tra 224 triệu USD (giảm 0,7%).
Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động khó lường thì điều bất ngờ là giá gạo, giá cà phê, giá tiêu liên tục tăng, đạt hết kỉ lục này tới kỉ lục khác. Đơn cử như mặt hàng cà phê, chưa có năm nào mà mới chỉ sau 2 tháng đầu năm, cà phê đã đạt kim ngạch tới 1,38 tỷ USD.
Hiện giá xuất khẩu cà phê bình quân của nước ta đạt 3.153 USD/tấn, tăng tới 44,7% so với cùng kỳ năm trước. Giá cà phê nguyên liệu trong nước cũng đang ở vùng giá cao nhất lịch sử (từ 83.000 - 84.000 đồng/kg), nên các chuyên gia dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong năm 2024 có thể đạt mức cao kỷ lục từ 4,5 - 5 tỷ USD.
So với cùng kỳ năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang tất cả các thị trường truyền thống tăng mạnh, trong đó top 5 thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của nước ta lần lượt là: Đức, Italia, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ.
Thế giới thiếu hụt 5 triệu tấn gạo, cơ hội cho ngành gạo Việt Nam
Đối với mặt hàng gạo, các chuyên gia cho rằng giá xuất khẩu trung bình trong 2 tháng đầu năm đang đạt con số "mơ ước": 699 USD/tấn, tăng tới 32,2% so với cùng kỳ năm trước.
Với mặt hàng gạo, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Trung An) cho biết, mở đầu năm 2024, Trung An đã ký 6 đơn hàng với số lượng 1.500 tấn cho 5 thị trường gồm: Châu Âu, Anh, Malaysia, Dubai và Úc với giá thấp nhất 718 USD/tấn và giá cao nhất là 1.277 USD/tấn. Tất cả đều là giá FOB (giá bên cửa khẩu của Việt Nam).
Theo ông Phạm Thái Bình, năm 2024, xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi do thế giới thiếu hụt 5 triệu tấn gạo, các quốc gia nhập khẩu gạo như Indonesia, Philippines đang có nhu cầu mua vào và Ấn Độ có khả năng sẽ duy trì hạn chế xuất khẩu gạo trong thời gian tới.
Tại Hội nghị giao ban với Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 2/2024 về đánh giá tình hình xuất khẩu và định hướng công tác xúc tiến thương mại phát triển thị trường gạo năm 2024, do Bộ Công Thương tổ chức sáng 29/2, ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, lúa gạo là hàng hóa thiết yếu với trên 50% dân số trên thế giới và được xếp vào mặt hàng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực của nhiều quốc gia.
Trong khi đó, tình hình thương mại gạo toàn cầu đang chịu tác động bởi nhiều yếu tố (như lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số quốc gia như Ấn Độ, Nga, UAE; Nga tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen; hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng lương thực tại nhiều quốc gia…), đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo của các nước trên thế giới.
Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, nên tất cả sự thay đổi về chính sách, biến động về cung cầu và khuynh hướng giá cả của các quốc gia tiêu thụ gạo trên thế giới đều ảnh hưởng trực tiếp đến ngành gạo Việt Nam.
Ông Phùng Văn Thành, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines cho biết, tổng nhu cầu gạo hàng năm của Philippines phục vụ tiêu dùng và dự trữ khoảng trên 15,5 đến 17 triệu tấn. Do sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu nên hàng năm Philippines phải nhập khẩu từ trên 3 triệu đến 4 triệu tấn gạo. Trong đó, nhập khẩu gạo từ Việt Nam chiếm khoảng 85%, từ Thái Lan khoảng 10%, còn lại là nhập từ Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan…
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines đạt 1,75 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2022 và lượng gạo của Việt Nam chiếm gần 87% tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines. Dự kiến năm 2024, nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines vẫn ở mức cao, từ trên 3,5 triệu đến 3,8 triệu tấn.
Vì vậy, Thương vụ kiến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước vừa tranh thủ những cơ hội mới ở những thị trường mới, cũng cần quan tâm duy trì đảm bảo vị thế số 1 xuất khẩu gạo của Việt Nam tại thị trường Philippines. Bởi hiện nay, Thái Lan cũng đang tìm cách gia tăng sản lượng, thị phần xuất khẩu gạo vào Philippines và cạnh tranh với gạo của Việt Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, giá trị xuất khẩu nông, lâm thuỷ sản tới các thị trường đều tăng. Trong đó xuất khẩu sang khu vực châu Á đạt 4,55 tỷ USD (tăng 43%); Châu Mỹ 2,31 tỷ USD (tăng 74,2%); Châu Âu 1,28 tỷ USD (tăng 52,6%); Châu Đại Dương 135 triệu USD (tăng 48,8%) và Châu Phi 129 triệu USD (tăng 60,4%). Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất.