Thứ tư, 07/05/2025
  • Click để copy

Bộ Y tế chỉ đạo nóng về quản lý thực phẩm chức năng được quảng cáo trên mạng xã hội

07:08, 07/05/2025

Các địa phương công khai, cảnh báo các đường link, địa chỉ vi phạm để người tiêu dùng tránh mua và sử dụng sản phẩm thực phẩm, thực phẩm chức năng trên các địa chỉ đó, tránh gây ảnh hưởng sức khỏe và kinh tế.

Đó là một trong những nội dung được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chỉ đạo các địa phương trong công tác hậu kiểm quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng vào hôm nay (6.5).

 Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa

Thời gian vừa qua, tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả diễn biến phức tạp, trong đó nổi lên hành vi sản xuất, kinh doanh sữa giả, mì chính giả, dầu ăn giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả… gây hoang mang trong dư luận do người tiêu dùng đã lỡ mua và sử dụng các sản phẩm này.

Trước tình hình trên, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Sở An toàn thực phẩm TP.HCM; Ban quản lý an toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm của các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, hậu kiểm, phát hiện việc quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, trang thương mại điện tử, sàn thương mại điện tử; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan. Thực hiện công khai, cảnh báo các đường link, địa chỉ vi phạm để người tiêu dùng tránh mua và sử dụng sản phẩm thực phẩm, thực phẩm chức năng trên các đường link, địa chỉ đó, tránh gây ảnh hưởng sức khỏe và kinh tế.

Đối với những trường hợp không xác định được chủ thể thực hiện hành vi vi phạm quảng cáo, Cục An toàn thực phẩm đề nghị các đơn vị trên phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ, Sở Văn hóa địa phương hoặc Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) phụ trách mạng xã hội, website, Facebook, Youtube..., Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương) quản lý trang thương mại điện tử, sàn thương mại điện tử để xác định chủ thể và xử lý theo quy định hiện hành.

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành có liên quan tăng cường quản lý an toàn thực phẩm, ngăn ngừa thực phẩm giả.

Theo đó, các địa phương tăng cường công tác quản lý thị trường, thanh tra, kiểm tra đối với các sản phẩm thực phẩm trên thị trường; tập trung phát hiện các nguyên liệu không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, sữa giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm chưa thực hiện thủ tục tự công bố, đăng ký bản công bố trên thị trường nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm.

Tăng cường rà soát, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm về quảng cáo thực phẩm trên môi trường mạng hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác; tăng cường thông tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong lựa chọn, mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm.

Ngoài ra, các địa phương rà soát quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thực phẩm, đặc biệt đối với sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm chức năng; chủ động sửa đổi hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định hiện hành trong trường hợp cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm.

Tin khác

Sản phẩm 1 giây trước
Các địa phương công khai, cảnh báo các đường link, địa chỉ vi phạm để người tiêu dùng tránh mua và sử dụng sản phẩm thực phẩm, thực phẩm chức năng trên các địa chỉ đó, tránh gây ảnh hưởng sức khỏe và kinh tế.
Sản phẩm 2 ngày trước
Thủ đô Hà Nội được biết đến là “cái nôi” của 1.350 làng nghề, làng có nghề truyền thống. Đây cũng là lợi thế rất lớn của TP trong triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường cho sản phẩm làng nghề.
Sản phẩm 1 tuần trước
Kiểm tra một hộ kinh doanh tại huyện Phú Xuyên (Hà Nội), cơ quan chức năng phát hiện gần 11 tấn thịt và nội tạng bò không rõ nguồn gốc, có sản phẩm đã bốc mùi.
Sản phẩm 1 tuần trước
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đã giúp các làng nghề phát triển hàng Việt đặc thù. Tuy nhiên, khó khăn là việc đưa sản phẩm vào siêu thị tiêu thụ lại không dễ dàng.
Sản phẩm 1 tuần trước
Trong năm 2024 và quý 1 năm 2025, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã tạm giữ 2.654 hộp sữa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, đã qua sử dụng...