Chỉ cần đem rơm ra khỏi ruộng, nông dân có thể đạt lợi nhuận 133 triệu đồng/ha/năm
Theo chuyên gia cao cấp của IRRI, nếu đem rơm ra khỏi ruộng và làm theo chuỗi giá trị từ trồng lúa đến làm phân bón hữu cơ, sử dụng phân hữu cơ bón cho lúa, nông dân có thể đạt lợi nhuận 133 triệu đồng/ha/năm.
Chiều 8/4, tại TP.Cần Thơ, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA), Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) và Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp tổ chức Diễn đàn “Tăng cường chuỗi giá trị rơm rạ - Hỗ trợ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (1 triệu ha lúa chất lượng cao)”.

Quang cảnh Diễn đàn “Tăng cường chuỗi giá trị rơm rạ - Hỗ trợ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL". Ảnh: H.X
Theo số liệu công bố tại diễn đàn, vùng ĐBSCL có trên 24 triệu tấn rơm mỗi năm từ quá trình canh tác lúa. Trong đó, nếu tính sơ bộ, chỉ riêng Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL tạo ra gần 14 triệu tấn rơm nếu mỗi năm canh tác 2 vụ.
Tuy nhiên, chỉ khoảng 30% trong tổng số 24 triệu tấn rơm được thu gom, phục vụ trồng nấm, che phủ, đóng hàng trái cây, làm thức ăn gia súc... 70% còn lại bị đốt ngoài đồng hoặc vùi vào đất lúa.
Như vậy, một nguồn tài nguyên khổng lồ, tức là phần lớn lượng rơm nói trên không được khai thác đúng cách để phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và giảm phát thải khí nhà kính.
Một cuộc điều tra khác do IRRI thực hiện trong 10.000 nông dân ở ĐBSCL cho thấy, trong vụ đông xuân 2023-2024, hơn 54% nông dân vẫn đốt rơm, chỉ gần 39% thu gom, phần còn lại là vùi vào ruộng.
Đến vụ hè thu 2024, tỷ lệ đốt rơm giảm còn gần 41%, tỷ lệ rơm được thu gom hơn 25% và gần 34% bị vùi vào ruộng. Nguyên nhân chủ yếu do giai đoạn này rơi vào mùa mưa, điều kiện đồng ruộng ướt, máy cuộn rơm không thể hoạt động hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Hùng – Chuyên gia cao cấp của IRRI đưa ra tính toán, nếu nông dân trồng lúa 3 vụ/năm, cho năng suất 24 tấn, tương đương lợi nhuận ròng thu được khoảng 86 triệu đồng/ha/năm.
Nếu nông dân sử dụng phân bón hữu cơ, mức lợi nhuận này có thể tăng lên 100 triệu đồng/ha/năm, tức tăng thêm khoảng 14 triệu đồng (nhờ giảm chi phí phân bón vô cơ, tăng năng suất lúa).
Cũng với 1 ha lúa, nông dân sẽ thu gom được 12 tấn rơm cuộn/năm, lợi nhuận từ dịch vụ cuộn rơm là 3 triệu đồng/ha/năm.
Nếu sử dụng rơm để trồng nấm, 1 ha rơm sẽ thu được 1 tấn nấm/năm, lợi nhuận bà con đạt được khoảng 6,5 triệu đồng/năm. Bã nấm sau đó được sử dụng để sản xuất phân bón hữu cơ, nông dân có thể thu thêm lợi nhuận khoảng 9,5 triệu đồng/năm.
Như vậy, tổng giá trị gia tăng từ rơm gồm: dịch vụ cuộn rơm, trồng nấm, làm phân bón hữu cơ từ bã nấm rơm, trồng lúa sử dụng phân bón hữu cơ là 33 triệu đồng/ha/năm (tương đương khoảng 35-40% thu nhập từ trồng lúa, chưa tính rơm).
Xét toàn chuỗi giá trị từ trồng lúa đến phân bón hữu cơ và sử dụng phân bón hữu cơ, nông dân có thể đạt lợi nhuận 133 triệu đồng/ha/năm.
Mức lợi nhuận này có thể chứng minh, mặc dù không đốt rơm rạ, nhưng nông dân vẫn có thể tạo ra được nhiều dinh dưỡng cho đất đai, giảm phát thải khí nhà kính và tăng thêm thu nhập.

Người dân ĐBSCL vận chuyển rơm ra khỏi đồng ruộng. Ảnh: H.X
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam cho biết, thời gian qua Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã làm việc với nhiều đơn vị, đối tác trong và ngoài nước để tìm nơi tiêu thụ rơm.
Điển hình, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và thống nhất đưa vào Quy hoạch điện VIII đầu tư một nhà máy điện sinh khối tại huyện Vĩnh Thạnh (TP.Cần Thơ), công suất 150MW, nhu cầu nguồn nguyên liệu khoảng 1 triệu tấn rơm.
Hay đối tác Nhật Bản cũng xem xét khả năng xây dựng nhà máy tại ĐBSCL để đốt trấu, rơm tạo ra silica, phục vụ ngành mỹ phẩm, lốp xe ô tô,…
Ngoài ra, hiện nay cũng có rất nhiều doanh nghiệp phát minh ra các chế phẩm sinh học để xử lý rơm, máy móc cơ giới phục vụ thu gom rơm rạ.
Tuy nhiên, các giải pháp trên chỉ mới giải quyết được một phần nhỏ lượng rơm hiện có, chưa trở thành động lực. Do đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xây dựng một chương trình đổi mới sáng tạo cụ thể, tạo ra giá trị gia tăng từ nguồn rơm rạ.
“Phải phối hợp làm sao để sáng tạo ra những chương trình giải quyết được 14 triệu tấn rơm từ đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Khi có nguồn cầu lớn, nông dân sẽ chủ động thu gom, xử lý triệt để rơm trên đồng, như thế mới có thể gọi là thắng lợi” - Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.
Tại diễn đàn lần này, VIETRISA đã công bố kế hoạch ra mắt và khởi động cấp nhãn hiệu “Gạo Việt Nam – Phát thải thấp”, diễn ra vào cuối tháng 4/2025.
Dự kiến, VIETRISA sẽ cấp nhãn hiệu cho 6-8 doanh nghiệp, với khoảng 30.000-50.000 tấn gạo mang nhãn hiệu “Gạo Việt Nam – Phát thải thấp” – kết quả thành phẩm từ các mô hình tham gia Đề án một triệu hecta lúa chất lượng cao.
Dịp này, VIETRISA cũng giới thiệu website của hiệp hội với địa chỉ: luagaovietnam.vn và phát động cuộc thi viết về văn minh lúa nước Việt Nam.
Nguồn:danviet.vn