ĐBQH chất vấn nước sông Cầu ô nhiễm nặng, Bộ trưởng TN&MT cam kết sớm xử lý
Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh cam kết thời gian tới sẽ tăng cường quan trắc và có giải pháp xử lý ô nhiễm nước sông Cầu và hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Nội dung trên được Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh tại phiên chất vấn chiều 6/11, trong khuôn khổ Kỳ họp 6, Quốc hội khoá XV.
Chất vấn tư lệnh ngành Tài nguyên và Môi trường, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) bày tỏ lo ngại, nhiều năm qua, tình trạng nguồn nước sông Cầu bị ô nhiễm rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân một số huyện của tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho biết vì sao đến nay tình trạng ô nhiễm nước sông Cầu vẫn chưa được giải quyết và Bộ có những giải pháp nào để trong thời gian sớm nhất giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Trả lời, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm này phải mất rất nhiều nguồn lực xử lý từ hệ thống thu gom. Kể cả với việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải, các đơn vị cũng cần nguồn lực để vận hành nhà máy.
Theo ông, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo với Chính phủ, đề xuất cấp có thẩm quyền cần phải có một chương trình mục tiêu quốc gia để xử lý các dòng sông chết, ô nhiễm các dòng sông và xử lý môi trường về rác thải, nước thải nói chung.
Vị tư lệnh ngành cũng cho rằng, cần có cơ chế chính sách để có nguồn lực xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp xử lý nước thải, rác thải; gắn vào đó là cơ chế của những doanh nghiệp xả thải thì phải có đóng góp. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần tuyên truyền vận động người dân, tổ chức để đảm bảo lượng rác thải nằm trong ngưỡng xử lý được.
"Để xử lý thì phải có thời gian, nguồn lực. Hiện nay, chúng ta còn một việc là các làng nghề truyền thống, cần có quy hoạch để di chuyển làng nghề thì mới xử lý được dứt điểm. Việc này cũng cần ngân sách thực hiện” , Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường nói thêm.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội) cũng nêu vấn đề giải quyết ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.
"Đến nay tình trạng ô nhiễm ở đây chưa được giải quyết triệt để. Bộ Tài nguyên Môi trường đã ban hành hoặc tham mưu ban hành giải quyết ô nhiễm môi trường tại Bắc Hưng Hải như thế nào?", ông Anh chấn vấn.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo và Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho khởi công năm 1958 nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp khu vực Bắc Bộ. Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các đơn vị kiểm tra ô nhiễm hệ thống Bắc Hưng Hải và thấy rằng để xử lý được cần có thời gian, nguồn lực lớn.
Từ hệ thống thủy nông, đến nay hệ thống này phải gánh thêm nhiệm vụ xả thải một phần cho Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên. Mỗi ngày, hệ thống phải tiếp nhận đến 500.000m3 xả thải, nhiều nhất phải kể đến khu vực cống ở hai quận Gia Lâm và Long Biên. Chủ yếu là chất thải từ khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu đô thị, khu dân cư. Hầu hết địa phương chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt nên phải xả ra Bắc Hưng Hải.
Về giải pháp, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì họp Chính phủ và yêu cầu có giải pháp thích hợp, ngắn hạn và dài hạn để xử lý ô nhiễm khu vực này. Trong đó, Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Công an cũng đã điều tra, xử phạt nhiều doanh nghiệp xả thải không đúng quy định. Đồng thời, Hà Nội đang cố gắng xây dựng nhà máy xử lý nước thải nhưng chưa xong.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cam kết thời gian tới, cơ quan này tiếp tục tăng cường quan trắc và làm việc với các địa phương để từ đó dùng các nguồn lực tiếp tục cố gắng xử lý nước thải của đô thị, nông thôn.