Thứ ba, 13/05/2025
  • Click để copy

Hải Phòng thành lập khu thương mại tự do, được giao dịch bằng ngoại tệ

11:41, 13/05/2025

Khu thương mại tự do Hải Phòng là khu vực có ranh giới địa lý xác định, được thành lập để thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá nhằm thu hút đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu, công nghiệp, nghiên cứu và phát triển, cũng như nhân lực chất lượng cao.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng - Ảnh: GIA HÂN

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng - Ảnh: GIA HÂN

Sáng 13-5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày với Quốc hội nội dung dự thảo nghị quyết thay thế nghị quyết 35 năm 2021 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng.

Tạo hành lang pháp lý thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá

Đáng chú ý trong 6 nhóm chính sách, 41 chính sách cụ thể là nhóm chính sách về Khu thương mại tự do Hải Phòng. Trong đó, dự thảo nghị quyết đề nghị thành lập khu này với ranh giới, cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá để thu hút đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu, công nghiệp, R&D và nhân lực chất lượng cao.

Theo ông Thắng, Khu thương mại tự do Hải Phòng được tổ chức thành các khu chức năng: khu sản xuất, khu cảng và hậu cần cảng - logistics, khu thương mại - dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định của pháp luật.

Dự thảo nghị quyết đề xuất phân cấp cho UBND TP quyết định thành lập, mở rộng, điều chỉnh ranh giới khu thương mại tự do gắn với Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng tương tự như khu công nghiệp.

Chính sách này tạo hành lang pháp lý cho khu thương mại tự do thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá để thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, dịch vụ, xuất khẩu, công nghiệp, R&D và nhân lực chất lượng cao.

Việc phân cấp cho UBND TP Hải Phòng phù hợp chủ trương phân cấp, phân quyền (nghị quyết 18 năm 2017, Hội nghị Trung ương 6, khóa XII; chỉ đạo Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 10, khóa XIII “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”).

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong khu thương mại tự do thế hệ mới Hải Phòng, dự thảo nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù ưu đãi.

Trong đó đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thủ tục đầu tư, kinh doanh; thủ tục xuất nhập khẩu; thủ tục xuất nhập cảnh, tạm trú và giấy phép lao động; thủ tục đất đai, đầu tư xây dựng; tối ưu hóa ưu đãi đầu tư về tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế; hoạt động đầu tư, kinh doanh khác trong khu thương mại tự do; cho phép chi nhánh ngân hàng nước ngoài mở phòng giao dịch tại khu thương mại tự do.

Để thực hiện thí điểm cơ chế "một cửa, tại chỗ" đối với khu thương mại tự do, dự thảo nghị quyết giao Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng quản lý nhà nước trực tiếp các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do, và được thẩm quyền giải quyết các thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, cấp phép kinh doanh, cấp phép bán lẻ, và cấp phép lao động (bao gồm cấp lại, gia hạn, thu hồi) cho nhà đầu tư tại đây.

Cân nhắc thời hạn ưu đãi thuế

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội Phan Văn Mãi cho rằng thí điểm Khu thương mại tự do Hải Phòng rất cần thiết, thể hiện quyết tâm chính trị.

Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, liên quan quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Do đó cần làm rõ tác động kinh tế - xã hội - ngân sách và tính lan tỏa; cơ chế quản lý rủi ro, giám sát đảm bảo an toàn tài chính, an ninh kinh tế, trật tự xã hội; và trách nhiệm của các bên liên quan.

Về chính sách thí điểm tại Khu thương mại tự do Hải Phòng, ông Mãi cho biết Ủy ban Kinh tế và Tài chính cơ bản tán thành đề xuất sử dụng đất không phụ thuộc chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất quốc gia đã được phân bổ nhưng đề nghị quy định cụ thể hơn.

Ủy ban này cũng đề nghị rà soát để đơn giản hóa thủ tục, minh bạch, kịp thời, cụ thể về quy trình và hợp lý về thẩm quyền, năng lực thực hiện “một cửa” của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng.

Về chính sách ưu đãi thuế trong khu thương mại tự do, theo ông Mãi, Ủy ban Kinh tế và Tài chính tán thành việc áp dụng mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp do chỉ tương tự như mức áp dụng với khu kinh tế, song thời gian áp dụng dài hơn.

Ủy ban này đề nghị cân nhắc thời hạn ưu đãi. Trường hợp doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì thực hiện nộp thuế theo quy định tương ứng.

Ngăn chặn lợi dụng chính sách khu thương mại tự do để chuyển tải bất hợp pháp

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội Phan Văn Mãi đề nghị làm rõ quy trình, cơ chế quản lý, kiểm soát chuyển khẩu hàng hóa để ngăn chặn đầu tư “núp bóng” và chuyển tải bất hợp pháp sang nước thứ 3, lợi dụng chính sách khu thương mại tự do.

Riêng chính sách giao dịch, định giá, thanh toán bằng ngoại tệ, ông Mãi cho hay đây là chính sách mới, có tác động đến quản lý ngoại hối, an ninh tiền tệ nhưng chưa có quy định cụ thể về cơ chế quản lý, kiểm soát, quản trị rủi ro ngoại hối bảo đảm phòng chống rửa tiền, do đó đề nghị cần làm rõ vấn đề này.

Tin khác

Kinh tế xanh 1 ngày trước
Nhà Trắng công bố đạt được thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung Quốc nhưng không cung cấp thông tin cụ thể.
Kinh tế xanh 1 ngày trước
Xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết "Động lực mới cho phát triển kinh tế" của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Kinh tế xanh 3 ngày trước
Giá điện chính thức tăng từ ngày mai 10/5 theo quyết định của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Kinh tế xanh 3 ngày trước
Đại biểu Nguyễn Trường Giang chỉ rõ xăng là mặt hàng thiết yếu trong đời sống của người dân, đầu vào của nhiều ngành sản xuất, vì vậy không nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Kinh tế xanh 5 ngày trước
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 7-5, sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại và cảnh báo về rủi ro ngày càng gia tăng đối với mục tiêu lạm phát và thất nghiệp của cơ quan này.