Lo doanh nghiệp giải thể rồi đăng ký lại sau 3 năm được miễn thuế
Đại biểu Quốc hội lo doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động hết 3 năm được miễn thuế, đến năm thứ 4 lại giải thể rồi đăng ký mới.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường lo ngại việc “trục lợi” chính sách nếu doanh nghiệp vừa và nhỏ được miễn thuế thu nhập 3 năm. Ảnh: Phạm Đông
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 16.5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.
Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Tại phiên thảo luận tổ chiều 15.5, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) góp ý vào quy định miễn kiểm tra tại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện tốt quy định pháp luật, cần có tiêu chí cụ thể hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết.
Đối với quy định về quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, đại biểu cho rằng cần cho phép các địa phương được sử dụng ngân sách để cấp bổ sung vốn điều lệ của quỹ.
Đồng thời quy định bảo lãnh cho vay để cho nhiều doanh nghiệp tiếp cận được vốn; khuyến khích quỹ tư nhân tham gia hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Liên quan đến khuyến khích các hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp, đại biểu cho rằng quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm đầu kể từ khi cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp lần đầu sẽ dẫn đến tình trạng “trục lợi” chính sách.
“Lập doanh nghiệp, hoạt động hết 3 năm được miễn thuế xong, đến năm thứ 4 phải đóng thuế thì lại xóa doanh nghiệp rồi đăng ký dưới tên vợ, con, thậm chí thuê xe ôm đứng tên chủ doanh nghiệp, bởi đăng ký thành lập doanh nghiệp rất dễ dàng. Từ đó sẽ không tạo ra được doanh nghiệp hoạt động ổn định”, đại biểu nói.
Đại biểu Đoàn Hà Nội cho rằng sẽ xảy ra bất hợp lý với các doanh nghiệp không trục lợi như doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo bị phá sản thì sẽ không được hưởng chính sách miễn thuế này nếu tiếp tục lập doanh nghiệp.
Đại biểu cho rằng không nên miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa liên tục trong 3 năm mà năm đầu tiên nên miễn thuế, những năm sau chỉ miễn 50%.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, cần có chính sách ưu đãi và quan tâm đủ mạnh, đặc biệt để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực vùng sâu vùng xa, miền núi, vùng còn nhiều khó khăn, vùng mà chúng ta đang tập trung nhiều nhóm giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan phát biểu. Ảnh: Phạm Đông
Những khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa như thế này rất cần có doanh nghiệp là hạt nhân, là đầu kéo mới có thể phát triển được.
Cần chính sách ưu đãi miễn giảm thuế, thuê đất dài hạn có thể 5 đến 10 năm cho các doanh nghiệp; hỗ trợ chi phí logistics, kho bãi, đầu tư sơ chế, chế biến để các doanh nghiệp có thể giảm chi phí giá thành sản xuất và cạnh tranh được trên thị trường.
Đại biểu cũng góp ý về hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thúc đẩy kinh tế tư nhân. Trong đó có nội dung nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo 10.000 giám đốc điều hành.
Nhấn mạnh đây là nội dung hết sức quan trọng và thiết thực, đại biểu đề nghị cần rà soát nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực, xây dựng chương trình đào tạo một cách bài bản, để có thể lãnh đạo quản lý doanh nghiệp chuyên nghiệp.
Đầu tư các doanh nghiệp tiêu chuẩn để cùng các cơ sở đào tạo có đủ điều kiện, các cơ sở thực tế để thực hành, thực tập cho Giám đốc điều hành doanh nghiệp. Có như vậy thì chúng ta mới có nguồn nhân lực chất lượng cao thúc đẩy kinh tế tư nhân.
nguon laodong.vn