Thanh Hóa kiểm soát tốt Dịch tả lợn Châu Phi
Ngày 18/7, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa cho biết, Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) trên địa bàn đang được kiểm soát tốt.
Theo thông tin cập nhật từ Hệ thống quản lý dịch bệnh động vật Việt Nam (VAHIS) - Cục Thú y; Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 189 ổ dịch bệnh DTLCP tại 98 huyện thuộc 34 tỉnh, làm tổng số 7.051 con lợn chết và tiêu hủy; hiện nay tình hình dịch bệnh DTLCP đang diễn biến rất phức tạp; dịch bệnh có nguy cơ lây lan ra nhiều địa phương khác.
Thanh Hóa kiểm soát tốt Dịch tả lợn Châu Phi
Tại tỉnh Thanh Hóa, từ đầu năm 2023 đến nay bệnh DTLCP đã được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, trong thời gian tới nguy cơ bệnh DTLCP xâm nhập, lây lan và tái bùng phát trên địa bàn tỉnh là rất cao. Do đó, để giảm thiểu tối đa những thiệt hại do dịch bệnh gây ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa đã hướng dẫn một số biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học phòng chống DTLCP.
Về chuồng trại: Chuồng trại phải cách biệt khu nhà ở và nguồn nước sinh hoạt, phải có tường hoặc rào, bố trí riêng biệt các khu: khu chăn nuôi; khu vệ sinh, sát trùng thiết bị chăn nuôi; khu cách ly lợn ốm. Phải có hố khử trùng ở cổng ra vào trại chăn nuôi, khu chuồng nuôi và tại lối ra vào mỗi dãy chuồng nuôi.
Về con giống: Chỉ mua lợn giống tại các cơ sở cung cấp con giống có nguồn gốc rõ ràng và phải có bản công bố tiêu chuẩn chất lượng kèm theo. Lợn giống khỏe mạnh, được tiêm phòng đầy đủ và phải được nuôi cách ly theo quy định mới được nhập đàn, không nuôi lẫn các lứa lợn khác nhau và nuôi chung với các loại vật khác.
Chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp với các loại lợn và giai đoạn sinh trưởng phát triển. Nên áp dụng phương thức chăn nuôi “cùng vào cùng ra” theo thứ tự ưu tiên cả khu, từng dãy, từng chuồng, từng ô. Đặc biệt, công tác tiêm phòng vắc xin theo đúng quy định, quy trình chăn nuôi được thực hiện nghiêm, chặt chẽ để bảo vệ sức khỏe cho đàn vật nuôi. Trong quá trình chăn nuôi phải khai báo hoạt động chăn nuôi, thực hiện ghi chép lại toàn bộ quá trình chăn nuôi.
Thức ăn cho lợn đảm bảo không bị nấm mốc, nhiễm khuẩn, phù hợp với tiêu chuẩn và khẩu phần ăn của các loại lợn. Trường hợp sử dụng sẩn phẩm nông nghiệp có sẵn tại địa phương (cám gạo, bột ngô,…) phải được nấu chính để tiêu diệt mầm bệnh. Khi nhập, nhận thức ăn nên thực hiện tiếp nhận bên ngoài khu vực chăn nuôi; thực hiện phun hóa chất tiêu độc, khử trùng người và phương tiện vận chuyển trước khi vận chuyển thức ăn vào kho.
Thức ăn bảo quản ở nơi khô ráo, ngăn chặn côn trùng, ruồi bọ,… Tuyệt đối, không sử dụng thức ăn thừa của đàn lợn bệnh cho đàn lợn khác ăn. Bao bì, dụng cụ chứa đựng thức ăn, nước uống của đàn lợn bị bệnh phải được tiêu độc, khử trùng, tiêu hủy theo quy định, không tận dụng dùng lại.
Nước uống cho lợn cũng phải được xử lý lắng, lọc đầy đủ. Nên sử dụng nước giếng khoan, không sử dụng nguồn nước cung cấp từ ngoài cơ sở chăn nuôi.
Vệ sinh chuồng, trại: Định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi, các chuồng nuôi ít nhất 2 tuần/1 lần; phun thuốc sát trùng lối đi trong khu chăn nuôi và các dãy chuồng nuôi ít nhất 1 lần/tuần khi không có dịch bệnh, và ít nhất 1 lần/ngày khi có dịch bệnh; phun thuốc sát trùng trên lợn 1 lần/tuần khi có dịch bệnh bằng các dung dịch sát trùng thích hợp theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Dùng một trong các thuốc khử trùng trùng như: Han-Iodine 10%, Hankon WS, Hanlusep BGF, Iodcid để phun tiêu độc khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, định kỳ 1-2 lần/tuần.
Có kế hoạch loại bỏ chuột và các loài gặm nhấm, hạn chế để thức ăn thừa, rơi vãi trong chuồng, kho thức ăn. Dùng thuốc diệt côn trùng (ruồi, muỗi, ve, ghẻ, rận): Hantox-200, Han-Pec 50, Han-Cyctox phun định kỳ 1-2 lần/tháng.
Xử lý chất thải chăn nuôi: Các cơ sở chăn nuôi phải có hệ thống xử lý chất thải, trong quá trình chăn nuôi bằng hệ thống Biogas. Trong thực tiễn, tùy điều kiện từng nơi, từng quy mô chăn nuôi có thể sử dụng các loại hầm (công trình khí sinh học) cho phù hợp; nước thải sau biogas phải được đưa qua hệ thống ao sinh học hoặc hệ thống lọc đáp ứng các quy định của Pháp luật trước khi thải ra ngoài môi trường. Đối với các cơ sở thu gom phân, phân thải được ủ và chứa đựng kín để loại trừ các loại dịch bệnh.
Chất thải rắn phải được thu gom hàng ngày và xử lý bằng nhiệt, bằng hóa chất, hoặc bằng chế phẩm sinh học phù hợp. Chất thải rắn trước khi đưa ra ngoài phải được xử lý đảm bảo vệ sinh theo quy định.