Thanh Hóa: Tiềm năng, thế mạnh về phát triển chăn nuôi
Thanh Hóa là tỉnh có nền nông nghiệp phát triển, qua đó có nhiều tiềm năng, thế mạnh và cơ hội đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi nói riêng.
Thanh Hoá ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi lợn
Thu hút đầu tư
Từ một địa phương chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ chưa tạo được lượng lớn sản phẩm để xuất khẩu trong và ngoài nước, chưa hình thành các vùng chăn nuôi tập trung. Nhưng những năm gần đây tỉnh Thanh Hoá đã có bước bứt phá về phát triển ngành chăn nuôi, đã hình thành các vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ vào sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ. Các ứng dụng công nghệ tiên tiến được áp dụng như, công nghệ thụ tinh nhân tạo bằng tinh phân giới tính cho bò sữa, thụ tinh nhân tạo đàn bò thịt; đưa các giống vật nuôi mới vào sản xuất; xây dựng các mô hình trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn, áp dụng hệ thống chuồng kín, nuôi sàn, điều hòa ẩm độ và nhiệt độ, xử lý chất thải và kiểm soát dịch bệnh theo hướng an toàn dịch bệnh. Từ đó đã mạng lại hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hoá đã đề ra nhiều chính sách thu hút các dự án chăn nuôi lớn với quy mô. Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã thu hút được trên 37 dự án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, với tổng vốn đầu tư, đăng ký trên 17 nghìn tỷ đồng; trong đó một số dự án trọng điểm như: Tập đoàn Vinamik quy mô đàn 12,5 nghìn con, Tập đoàn TH milk đang đầu tư dự án bò sữa với quy mô 20.000 con bò sữa; Tập đoàn DABACO Việt Nam đầu tư dự án khu chăn nuôi với quy mô 5.600 con lợn nái/năm; Tập đoàn Xuân thiện đang đầu tư chuỗi 5 dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, trong đó Dự án Xuân Thiện 1 tại xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc đã hoàn thành và đi vào hoạt động với tổng mức đầu tư 3 nghìn tỷ đồng, công suất tổng đàn lợn 180.000 con, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi công suất 500.000 tấn/năm,…
Tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng 1.080 trang trại, 739.350 hộ chăn nuôi, trong đó: chăn nuôi lợn 582 trang trại, quy mô lớn 56, quy mô vừa 420, quy mô nhỏ 106 trang trại (chăn nuôi trang trại chiếm 55%, chăn nuôi nông hộ chiếm 45% tổng đàn lợn với 88.070 hộ chăn nuôi). Chăn nuôi gia cầm có 415 trang trại chăn nuôi, quy mô lớn 6, quy mô vừa 302, quy mô nhỏ 107 trang trại (chăn nuôi trang trại chiếm 30%; chăn nuôi nông hộ chiếm 70% tổng đàn gia cầm với 481.024 hộ chăn nuôi). Chăn nuôi trâu, bò: 83 trang trại chăn nuôi trâu, bò quy mô lớn 5 trang trại, quy mô vừa và nhỏ 10 trang trại (chăn nuôi trang trại chiếm 15%, chăn nuôi nông hộ chiếm 92% tổng đàn với 168.910 hộ chăn nuôi).
Bên cạnh đó, đã hình thành phát triển chuỗi liên kết, toàn tỉnh có 72 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi quy mô lớn, trong đó: các doanh nghiệp chăn nuôi lớn có vốn đầu tư nước ngoài như: Công ty chăn nuôi C.P, CJ, Japfa comfeed, Golden, Mavin, Newhope,…hình thành chuỗi chăn nuôi theo hình thức gia công, đang đem lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi khi tham gia vào chuỗi liên kết; Công ty CP ( liên kết gia công 92 trang trại lợn, 42 trang trại gia cầm); Công ty CJ (18 trang trại lợn); Công ty Japfa Việt Nam (4 trang trại lợn, 125 trang trại gia cầm); Công ty Mavin (4 trang trại lợn); Golden (45 trang trại gia cầm) Greechiken (18 trang trại gia cầm); Công ty Phú gia (20 trang trại gia cầm, 3 trang trại lợn).
Các doanh nghiệp trong nước đầu tư xây dựng các dự án chăn nuôi quy mô lớn gắn với nhà máy chế biến hoặc giết mổ và định hướng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi như: Tập đoàn Vinamilk, Tập đoàn TH True milk, Tập Đoàn DABACO, Công ty Cổ phần nông sản Phú Gia, 3FViet,...; Nhà máy giết mổ gia cầm Viet Avis của Công ty cổ phần Nông sản Phú Gia và tập đoàn Mastergood-Hunggary, trung bình hàng năm giết mổ khoảng trên 1 triệu con gia cầm, cung cấp ra ngoài thị trường và định hướng xuất khẩu; Công ty Hoa Mai, Công ty xúc sản Hàm Rồng xuất khẩu lợn sữa sang Hồng Kông, Trung Quốc trung bình ước đạt 800 tấn thịt lợn các loại, giá trị xuất khẩu khoảng 6 triệu USD/năm. Các chuỗi liên kết trong sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.
Đầu tư hạ tầng
Để sản xuất chăn nuôi tập trung và thu hút đầu tư, tỉnh Thanh Hoá đã quy hoạch phát triển các vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, cụ thể: vùng chăn nuôi lợn hướng nạc, vùng chăn nuôi bò sữa, vùng chăn nuôi bò thịt chất lượng cao; hình thành phát triển 47 khu/cụm trang trại chăn nuôi tập trung hưởng chính sách hạ tầng phát triển khu trang trại chăn nuôi tập trung của Hội đồng nhân dân tỉnh. Các khu/cụm trang trại phát triển hoạt động theo đúng định hướng của địa phương.
Có 8 dự án chăn nuôi đã hoàn thành đi vào hoạt động với quy mô 25 nghìn lợn nái, 232 nghìn lợn thịt/năm; 110 nghìn lợn con/năm. Các dự án trọng điểm đã hoàn thành như: Dự án khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hoá; Dự án khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn DABACO; Dự án chăn nuôi bò sữa của Công ty TH True milk đã hoàn thành được 9 khu chuồng nuôi và đang nuôi tại trang trại của dự án 4.474 con bò sữa.
Thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để phát triển chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; đến nay, toàn tỉnh đã tích tụ được 4,6 nghìn ha, đạt 51,1% so với mục tiêu đến năm 2025 tích tụ, tập trung đất đai đạt 9 nghìn ha của Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 11/1/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.
Ban hành cơ chế, chính sách
Để đạt được kết quả trên, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách trong chăn nuôi như: chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất; chính sách hỗ trợ hạ tầng trang trại và di rời các cơ sở chăn nuôi thuộc khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 371/UBND-QĐ ngày 21/01/2022 phê duyệt danh mục dự án kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn giai đoạn 2021 - 2025, với 2 dự án trong lĩnh vực giết mổ...
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hoá, trong thời gian tới, để tiếp tục phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn. Tăng cường nghiên cứu khoa học, thích nghi và ứng dụng có chọn lọc các thành tựu khoa học và công nghệ trong nước và thế giới, chú trọng ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp Lần thứ tư (4.0) nhằm nâng cao sức cạnh tranh ngành chăn nuôi.
Đẩy mạnh việc xã hội hóa các hoạt động trong chăn nuôi, phát triển chăn nuôi phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển. Định hướng sản phẩm chủ lực đến năm 2030.
Ngọc Bích/TC DNTT