TP.HCM kiểm tra an toàn thực phẩm nhóm sữa và thực phẩm chức năng
Ngày 21.4, Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM ban hành kế hoạch kiểm tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực ATTP.
Sở ATTP thành lập các đoàn kiểm tra thực hiện việc kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, tập trung vào các sản phẩm/nhóm sản phẩm và các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm/nhóm sản phẩm: sữa chế biến, sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt...
Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở ATTP TP.HCM, hoạt động kiểm tra chuyên đề này nhằm tăng cường quản lý, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Các nhãn hiệu sữa bị làm giả trong vụ án gần 600 loại sữa giả, vừa được Bộ Công an triệt phá - Ảnh: Bá Toàn
Trong quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra thực hiện lấy mẫu sản phẩm có dấu hiệu vi phạm về chất lượng, ATTP, gửi mẫu kiểm nghiệm. Việc lấy mẫu và chỉ định chỉ tiêu kiểm nghiệm do Trưởng đoàn kiểm tra quyết định trên cơ sở căn cứ tình hình thực tế nguy cơ mất ATTP tại nơi được kiểm tra.
Theo kế hoạch, hoạt động kiểm tra sẽ tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc nhóm chuyên đề nêu. Nội dung kiểm tra bao gồm toàn bộ hồ sơ pháp lý như giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hồ sơ công bố sản phẩm, nhãn mác, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu, hồ sơ nhập khẩu, tài liệu quảng cáo và giấy xác nhận nội dung quảng cáo.
Bên cạnh đó, điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại cơ sở cũng là tiêu chí quan trọng. Đoàn kiểm tra sẽ đánh giá các yếu tố như vệ sinh nhà xưởng, trang thiết bị dụng cụ, nhân sự trực tiếp tham gia sản xuất - kinh doanh…
Đối với các sản phẩm có dấu hiệu vi phạm về chất lượng hoặc không đảm bảo an toàn, đoàn sẽ tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm tại các đơn vị kiểm nghiệm được chỉ định.
Các cơ sở có áp dụng hệ thống quản lý chất lượng như GMP, HACCP, ISO 22000, BRC, FSSC 22000… cũng sẽ được kiểm tra chéo để đối chiếu việc thực hiện thực tế với hồ sơ công bố.
Thời gian kiểm tra diễn ra từ ngày 21.4 đến ngày 30.5.
Trước đó, vào sáng cùng ngày, Bộ Công Thương ban hành Công điện hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố; Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước và Sở Công Thương các địa phương về việc tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt đối với các sản phẩm sữa, thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Công điện nêu rõ, thời gian qua, Chính phủ, các bộ ngành đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc về phòng, chống, xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cùng đó là xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật khác.
Nhằm tăng cường trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc quản lý, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, đặc biệt là sản phẩm sữa, thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Phó trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố bám sát diễn biến của thị trường, kịp thời báo cáo Bộ Công Thương về tình hình biến động của thị trường hàng hóa nhất là những mặt hàng có hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.
Theo 1thegioi.vn