Chủ nhật, 29/12/2024
  • Click để copy

Xuất khẩu nông-lâm-thủy sản đạt mức cao kỷ lục

07:13, 28/12/2024

Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỉ USD, tăng 18,7% so với năm 2023; xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỉ USD, tăng 46,8%.

Có 7 hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỉ USD

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tại hội nghị tổng kết năm 2024, năm qua, ngành thực hiện kế hoạch trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trong đó, có yếu tố tác động mạnh của biến động thị trường, của thời tiết nắng nóng gay gắt, hạn hán, mưa bão tại các địa phương vùng Tây Nguyên, miền Trung, xâm nhập mặn tại các tỉnh thành phía nam.

Đặc biệt là cơn bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp các tỉnh phía bắc (thiệt hại cho sản xuất nông-lâm-thủy sản khoảng 31.800 tỉ đồng) và làm giảm khoảng 0,3 - 0,5 điểm phần trăm tăng trưởng của toàn ngành trong năm 2024.

Tuy nhiên, ngành đã vượt qua khó khăn, thách thức để đẩy mạnh sản xuất phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất. Nông nghiệp Việt Nam vừa bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, vừa hội nhập quốc tế mạnh mẽ và sâu rộng; nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh, chủ lực tiếp tục được mở rộng thị trường. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đã đạt nhiều kỷ lục mới. Nông nghiệp Việt Nam khẳng định vị thế quan trọng, là động lực và trụ đỡ của nền kinh tế nước nhà.

 Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn

 Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn

Năm 2024 giá trị sản xuất (GO) toàn ngành đạt mức tăng trưởng ước đạt 3,3%, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 78,7%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn đạt 58%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỉ USD, tăng 18,7% so với năm 2023; xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỉ USD, tăng 46,8%. Có 7 hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỉ USD (tăng 1 sản phẩm so với năm 2023).

Ngành chuyển đổi mạnh tư duy sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng hàng nông sản. Từng bước thay đổi từ cách tiếp cận nông nghiệp nâu sang nông nghiệp xanh, tăng cường áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ; đã tổ chức triển khai có hiệu quả đề án "phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".

Năm 2025 là năm cuối, tăng tốc, bứt phá về đích thực hiện Kế hoạch phát triển ngành 5 năm 2021-2025 và Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng. Ngành nông nghiệp xác định một số chỉ tiêu chủ yếu như sau: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,3 - 3,4%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 64 - 65 tỉ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 80%; có 325 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42,02%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 60%.

Xuất khẩu thủy sản hướng tới mục tiêu 16 tỉ USD

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều chia sẻ rằng xuất khẩu thủy sản thu về cho tỉnh 1,2 tỉ USD; riêng tôm là 1,13 tỉ USD.

"Sản xuất tôm - lúa đã giúp tỉnh đạt mục tiêu, năng suất 'kép', đời sống người dân cũng khá lên. Hiện nay, với tổng diện tích tôm - lúa đã vượt hơn 43.000ha, tỉnh đánh giá mô hình này rất hiệu quả. Giai đoạn tới, tỉnh phấn đấu tăng diện tích sản xuất tôm - lúa lên 70.000ha", ông Thiều khẳng định.

Ngoài ra, theo lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cho năng suất cao gấp 15 lần. Tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng 2 khu nuôi tôm an toàn sinh học, có 5 tổ chức địa phương được chứng nhận nuôi tôm hữu cơ.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2024 vượt mốc 10 tỉ USD.

 Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phát biểu - Ảnh: VGP

 Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phát biểu - Ảnh: VGP

Ông Nam cho rằng vấn đề cốt lõi quan trọng và vấn đề nguyên liệu cho xuất khẩu và tiêu dùng. "Nông-ngư dân là lực lượng lớn tham gia trong ngành, nhưng không ít trong số đó vẫn còn khó khăn, còn những bất cập khác nhau. Chúng tôi đề xuất lập chợ đấu giá để ngư dân bán được hàng với giá tốt nhất, Nhà nước truy xuất được dữ liệu. Thứ hai là cần soát xét, sửa đổi phù hợp các quy định liên quan đến vùng khai thác (bờ, lộng, khơi). Thứ ba là soát xét, sửa đổi phù hợp các quy định liên quan đến kích thước khai thác tối thiểu của một số loài - đặc biệt là cá ngừ vằn, ngừ vây vàng và các loài di cư", ông Nam nói.

VASEP kiến nghị Chính phủ, Bộ NN-PTNT có chiến lược xây dựng mô hình các tập đoàn/doanh nghiệp lớn về khai thác biển để hợp tác khai thác với các quốc gia có biển - không chỉ mở rộng phạm vi hoạt động mà còn tạo động lực mới cho ngư dân khai thác biển, cho nguồn nguyên liệu dồi dào bền vững hơn.

Đối với ngư dân, VASEP kiến nghị rà soát các quy định pháp luật để người dân nuôi trồng thủy sản có thể thế chấp, có thể vay vốn ngân hàng một cách bình thường; cấp giấy phép mặt nước cho người dân (như dạng "sổ đỏ") để người dân có thể vay vốn từ các quỹ hoặc ngân hàng.

"Chúng tôi đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh tín dụng xuất khẩu, gói tín dụng dành cho lâm-thủy sản như đã triển khai hiệu quả 2 năm qua sau Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với VASEP và Hiệp hội Gỗ ngày 13.4.2023; đẩy mạnh bảo hiểm nông nghiệp, hỗ trợ chia sẻ rủi ro với nhà nông. Kinh nghiệm từ bão số 3 vừa qua cho thấy rõ nhu cầu này", ông Nam nói.

Đại diện VASEP kiến nghị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số và có quy chế ràng buộc các chủ thể tham gia ngành thủy sản phải quan tâm và có giải pháp kiểm soát, hạn chế và trung hòa phát thải để ngành phát triển ổn định, bền vững.

Lam Thanh/1thegioi.vn

Tin khác

Nông - lâm - thủy sản 17 giờ trước
Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỉ USD, tăng 18,7% so với năm 2023; xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỉ USD, tăng 46,8%.
Nông - lâm - thủy sản 3 ngày trước
Do không tuân thủ các quy định về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, EU đã tăng tần suất kiểm tra tại biên giới đối với sầu riêng Việt Nam từ 10% lên 20%.
Nông - lâm - thủy sản 4 ngày trước
Năm 2024 là lần thứ hai xuất khẩu thủy sản đạt mốc 10 tỉ USD, trong đó con tôm mang về 4 tỉ USD, cá tra 2 tỉ USD, cá ngừ 1 tỉ USD. Năm 2025, ngành thủy sản đang hướng tới mục tiêu đạt 11 tỉ USD.
Nông - lâm - thủy sản 1 tuần trước
"Trong năm 2025, chúng ta không nên quá kì vọng vào sự tăng trưởng của ngành trái cây nói riêng và nông sản nói chung, mà nên chú trọng tăng cường "sức khoẻ" của ngành; tìm kiếm các giải pháp phát triển bền vững, nâng cao chất lượng hơn nữa nhằm ứng phó tốt hơn với các biến đổi ngày càng khó của thị trường".
Nông - lâm - thủy sản 1 tuần trước
Để hiểu rõ thêm về các kết quả của xuất khẩu thủy sản năm 2024 và định hướng thị trường trong năm 2025, PV Báo điện tử Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam xung quanh vấn đề này.