Hơn 30 người nộp đơn tố cáo SCB và Manulife đến Công an TP HCM
Theo đơn tố cáo, khách hàng được tư vấn đầu tư gói "Tâm an đầu tư" với cam kết sẽ sinh lợi nhuận cao nhưng thực tế lại khác.
Chiều 18-4, một số người đã đến Công an TP HCM nộp đơn tố cáo Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) liên kết với Công ty bảo hiểm Manulife Việt Nam.
Một nguồn tin cho biết có khoảng hơn 30 người đã nộp đơn đến Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM.
Khi nộp đơn tố cáo cùng các tài liệu liên quan, cơ quan công an đã tiếp nhận, xử lý theo quy định của pháp luật.
Một số người nộp đơn tố cáo cho biết khách hàng được tư vấn đầu tư gói "Tâm an đầu tư" với cam kết sẽ sinh lợi nhuận cao nhưng sau đó phát hiện đây thực chất là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, chứ không phải hợp đồng gửi tiết kiệm.
Ở một diễn biến liên quan, trước đó, chị L. (công tác tại một cơ quan báo chí ở TP HCM) phản ánh đến Báo Người Lao Động, cho biết mẹ chị là bà Nguyễn Thị Phượng (83 tuổi) nhiều lần liên hệ với SCB yêu cầu chi trả quyền lợi hai hợp đồng liên quan đến SCB khi đến hạn nhưng nhiều lần vẫn không được giải quyết.
"Tiền của mẹ tôi đưa vô đầu tư mà đi lên đi xuống họ lại nói thế này thế kia, bây giờ vẫn chưa lấy được tiền ra. Vì thế, chúng tôi phải tố cáo đến Công an TP HCM" - chị L. nói.
Về việc người dân kiện các công ty bảo hiểm nhân thọ, luật sư Lưu Tấn Anh Toàn, Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ, nói: "Khoản 4, Điều 2 - Quyết định số 1799/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính về nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm là kiểm tra và giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam; hoạt động của các văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam".
"Do đó, bên tố cáo có quyền đề nghị Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong phạm vi cả nước tiến hành kiểm tra hoạt động kinh doanh của công ty bảo hiểm trong việc tư vấn, chào bán sản phẩm bảo hiểm, cung cấp thông tin cho khách hàng không đúng quy định, đại lý tư vấn đánh tráo khái niệm để lừa dối khách hàng, nếu có sai phạm xử lý theo quy định pháp luật để răn đe, bảo vệ người mua bảo hiểm, giúp thị trường bảo hiểm trong sạch, lành mạnh", luật sư Lưu Tấn Anh Toàn nhấn mạnh.
Trường hợp ngân hàng sử dụng nhân viên tư vấn không có chứng chỉ đại lý bảo hiểm là vi phạm quy định pháp luật, gây thiệt hại cho khách hàng hoặc các sai phạm khác thì với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước tiến hành thanh - kiểm tra đối với ngân hàng bị khiếu nại, nếu thực sự có sai phạm sẽ xử lý theo quy định pháp luật để răn đe và ngăn chặn những hành vi sai phạm tương tự.
Căn cứ quy định của Luật Tố cáo, Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10-4-2019 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo, Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 1-10-2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh, Bộ Tài chính chuyển đơn đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả đến Bộ Tài chính.
Trước đó, diễn viên Ngọc Lan đã livestream kể về hợp đồng bảo hiểm của chị khiến cộng đồng mạng xôn xao và các cơ quan chức năng phải vào cuộc.