TikTok, Shopee bày cách giúp hàng Việt Nam bán "cháy kho"
Ngày 6-11, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn Ứng dụng Thương mại điện tử và Công nghệ số Việt Nam 2024
Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số, dẫn báo cáo gần nhất tại Hội nghị thường trực Chính phủ về chuyển đổi số tháng 7-2024 cho thấy doanh thu TMĐT Việt Nam năm 2023 đạt 20,5 tỉ USD, đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT cao nhất khu vực.
Nhiều tập đoàn công nghệ lớn đã đầu tư vào các lĩnh vực mới như điện tử, chip bán dẫn, R&D, AI… Thanh toán không dùng tiền mặt cũng lan rộng với tỉ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt 87%, vượt mục tiêu năm 2025.
"Hiện nay, TMĐT không chỉ phát triển ở đô thị mà còn mở rộng đến vùng sâu, vùng xa nhờ hệ thống giao hàng phát triển mạnh mẽ" - bà Việt Anh chia sẻ.
Tuy vậy, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số cũng chỉ ra trong bối cảnh TMĐT phát triển mạnh, các doanh nghiệp Việt càng cần phải nâng cao sức cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước.
Thực tế, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp trong nước lo ngại hàng hóa khó cạnh tranh với hàng nước ngoài, đặc biệt trên kênh bán hàng online.
Trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề này, ông Phan Mạnh Hà, Giám đốc đối ngoại Shopee Việt Nam, cho hay trong năm 2024 sàn TMĐT này có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cụ thể, Shopee đặt mục tiêu năm nay hỗ trợ 1.000 doanh nghiệp Việt Nam có thể bán hàng trên sàn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Lâm Thanh, Tổng Giám đốc TikTok Việt Nam, cho hay trong giai đoạn 2023-2024, nền tảng này hỗ trợ người sản xuất Việt Nam thông qua cách làm "cầm tay chỉ việc". Theo đó, người sáng tạo nội dung sẽ đến địa phương du lịch, trải nghiệm sản phẩm và kể câu chuyện cho hàng trăm, hàng triệu người theo dõi biết tới sản phẩm.
"Thông thường, những sản phẩm tham gia chương trình này đều đắt hàng, không còn hàng để bán" - ông Thanh cho biết.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt cũng đang đối mặt với những điểm hạn chế.
Giám đốc đối ngoại Shopee Việt Nam Phan Mạnh Hà chia sẻ hiện nay người tiêu dùng mua sắm theo cảm xúc, vì vậy các doanh nghiệp phải nắm bắt được xu hướng đó.
Song thực tế, "sau khi đội ngũ hỗ trợ của chúng tôi rút về, nhiều doanh nghiệp Việt lại không thể vận hành được gian hàng" - ông Hà cho biết.
Với xu hướng phát triển mạnh mẽ của TMĐT và công nghệ số như vậy, Phó Cục trưởng Lại Việt Anh mong muốn các doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ, TMĐT và chuyển đổi số, từ đó cải thiện quản trị và năng lực cạnh tranh.
Nguồn:nld.com.vn