Thứ sáu, 18/10/2024
  • Click để copy

Tuyên Quang thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông sản chủ lực

11:18, 18/10/2024

Vừa qua, tại huyện Yên Sơn, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Yên Sơn và Công ty cổ phần R.Y.B (Hà Nội) tổ chức Lễ xuất khẩu sản phẩm nông sản sang thị trường Vương quốc Anh (đợt 1) năm 2024.

Các sản phẩm được lựa chọn xuất khẩu đều là những sản phẩm nông sản chủ lực tiểu biểu của tỉnh Tuyên Quang, được kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, quảng bá rộng khắp thị trường trong nước.

Na Hang phát triển sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa

Bằng các giải pháp đồng bộ và sự tích cực triển khai của các cấp, các ngành, các địa phương toàn huyện đến nay, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương.

cha Na Hang

Giới thiệu sản phẩm chè của xã Thượng Nông cho khách du lịch.

Chè Shan tuyết được xem là “vàng xanh” của Na Hang với diện tích 1.357 ha. Trong đó trên 110 ha chè được cấp Chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn Nông nghiệp hữu cơ Quốc gia với sản lượng dự kiến 290 tấn/năm. Hiện có 3 công ty, 5 HTX thu mua, chế biến chè. Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái được cấp chứng nhận ISO 22000:2018 cho lĩnh vực chế biến và kinh doanh chè. Hiện nay, sản phẩm chè Shan tuyết Na Hang đã được cấp Chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý; có 4 sản phẩm chè được chứng nhận sản phẩm OCOP.

Lúa nếp Khẩu Láng là giống lúa đặc sản của Na Hang, diện tích trồng lúa nếp đạt 154,5 ha với sản lượng 110 tấn/năm. Sản phẩm gạo nếp Khẩu Láng đã được chứng nhận VietGAP và OCOP 3 sao, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn và chất lượng cao. Hiện có 2 HTX sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa nếp đặc sản gồm HTX Nông nghiệp Thượng Nông và HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Thượng Giáp.

Gần đây, Na Hang đã chú trọng phát triển cây ăn quả đặc sản và dược liệu, trong đó các cây ăn quả chủ lực như lê, hồng không hạt, mận bản địa, và các cây dược liệu phục vụ ngành y học cổ truyền. Các sản phẩm từ lê Khâu Tràng và hồng không hạt Na Hang đã được chứng nhận OCOP 3 sao. Bên cạnh đó, các loại cây ăn quả của Na Hang còn phát huy tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái kết hợp với nông nghiệp. Bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi cũng là lĩnh vực có tiềm năng lớn của Na Hang. Huyện đã tập trung phát triển các giống vật nuôi bản địa như trâu, bò, dê, gà đồi. Đặc biệt là lợn đen Na Hang - một sản phẩm đã được định vị trên thị trường. Các sản phẩm từ lợn đen như thịt lợn đen sấy khô, lạp xưởng lợn đen đã được cấp chứng nhận OCOP 3 sao, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho người dân.

Vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang đã trở thành một lợi thế to lớn để phát triển nuôi trồng thủy sản, với hơn 1.259 lồng cá đặc sản, sản lượng khai thác đạt 4.996 tấn/năm. Các loại cá như cá chép, cá lăng, và các sản phẩm chế biến từ cá đã trở thành những mặt hàng được thị trường quan tâm. Hiện có 3 doanh nghiệp và 2 HTX nuôi trồng thủy sản được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Bên cạnh những sản phẩm nông nghiệp nêu trên, đến nay, toàn huyện có 29 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó có một sản phẩm đạt 4 sao, 28 sản phẩm đạt 3 sao. Sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái 1 tôm 1 lá của HTX Sơn Trà, xã Hồng Thái đủ điều kiện dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm 5 sao cấp quốc gia. Các sản phẩm đặc sản đã và đang dần khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Thời gian tới, các sản phẩm của Na Hang sẽ được xuất khẩu sang nhiều thị trường.

Khẳng định chất lượng

Người trồng chuối của huyện Yên Sơn và các xã của huyện Chiêm Hóa chưa thể tin sản phẩm chuối lại được xuất khẩu vào thị trường. Bởi từ trước đến giờ sản phẩm chuối chỉ được bán quả tươi sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Năm được giá người trồng chuối vui, năm Trung Quốc không mua, chuối đổ đi không hết. Nhìn sản phẩm chuối tây chất lượng mà cứ bỏ đi lãng phí, chị Nguyễn Thị Hương, thôn Thọ Sơn, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) mày mò chế biến nhằm bảo quản chuối được lâu hơn.

Chị Hương chia sẻ: Mục đích ban đầu của chị là đồ ăn vặt cho đám trẻ trong gia đình, ai mua thì bán, rồi biếu. Mỗi lần thông tin sấy, chiên chuối mọi người biết lại đặt nhiều hơn, thấy nhu cầu của thị trường, vợ chồng chị tính mở rộng quy mô sản xuất và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Chị Hương cho biết: Năm 2023, vợ chồng chị và một số hộ gia đình thành lập hợp tác xã góp vốn đầu tư máy sấy, xây dựng nhà kính, đóng gói sản phẩm đạt chuẩn. Cũng trong thời gian đó, sản phẩm chuối sấy được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP với nhãn hiệu chuối sấy dẻo.

Chị Hương phấn khởi cho biết: "Kể từ khi được chứng nhận sản phẩm OCOP, chuối sấy dẻo của Hợp tác xã cứ rộng đường đi vào các cửa hàng thực phẩm sạch. Đặc biệt, đầu năm 2024, Công ty Cổ phần R.Y.B (Hà Nội) - doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu nông, lâm, thủy sản đặt hàng sản phẩm chuối sấy dẻo để xuất khẩu sang thị trường Anh Quốc". Chị Hương khoe, theo đơn đặt hàng là 600 hũ, với trọng lượng 0,5 kg/hũ và dù là xuất khẩu 1 lần nhưng chị tin thực khách ngoại quốc sẽ mê hoặc thức quà quê Chiêu Yên.

chuoi say

Sản phẩm chuối sấy dẻo của Hợp tác xã chuối sạch Chiêu Yên (Yên Sơn) xuất khẩu vào thị trường Anh quốc.

Sản phẩm trà đậu đen xanh lòng của Hợp tác xã Hồng Phát (Chiêm Hóa) cũng đã xuất khẩu vào thị trường Anh Quốc. Chị Phạm Thị Hồng, thành viên sáng lập hợp tác xã phấn khởi cho biết: Sản phẩm trà đậu đen xanh lòng đã có mặt ở thị trường Anh, Dubai, Mỹ, Úc từ năm 2022, tuy nhiên là qua đường tiểu ngạch, đến giờ chính thức xuất khẩu theo đường chính ngạch. Đây là cơ hội lớn nhất để hợp tác xã khẳng định tên tuổi của mình, khẳng định chất lượng sản phẩm. Chị Hồng khẳng định: Công ty Cổ phần R.Y.B đã chuyển tiền đặt hàng, Hợp tác xã đang tập trung sản xuất tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao nhất, làm hài lòng thực khách ngoại quốc ngay từ lần đầu.

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: 7 sản phẩm được lựa chọn xuất khẩu đều được đánh giá có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, được kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá rộng khắp thị trường trong nước.

Đưa sản phẩm OCOP chinh phục thị trường khó tính

Vừa qua, lần đầu tiên tỉnh Tuyên Quang xuất khẩu sản phẩm nông sản ra thị trường quốc tế.

Có 6 sản phẩm OCOP xuất khẩu trong đợt này gồm: sản phẩm trà ổi, sản phẩm hoa đu đủ đực ngâm mật ong của Hợp tác xã hữu cơ nông sản Bình Minh (Yên Sơn); sản phẩm chuối sấy dẻo của Hợp tác xã chuối sạch Chiêu Yên (Yên Sơn); sản phẩm trà túi lọc đậu đen xanh lòng của Hợp tác xã hữu cơ Hồng Phát (Chiêm Hóa); sản phẩm siro chanh và siro tắc của Hợp tác xã nông sản và dược liệu Minh Thảo (Hàm Yên).

Ocop xk

Các sản phẩm được vận chuyển lên xe để đưa đi xuất khẩu. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Công ty cổ phần R.Y.B chịu trách nhiệm đóng hàng theo quy cách, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu và vận chuyển sang thị trường Vương quốc Anh. Tổng số lượng tương ứng là 2.200 hộp/chai sản phẩm.

Bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Công ty cổ phần R.Y.B cho biết, qua thăm dò, khảo sát và kiểm nghiệm, doanh nghiệp đánh giá rất cao chất lượng các sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang. Công ty đã thực hiện giới thiệu, chào hàng trên 50 sản phẩm đặc sản chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh sang thị trường các nước châu Âu và đều nhận được phản hồi tốt của khách hàng.

Đây là thị trường khó tính với những quy định khắt khe về kiểm dịch thực vật, quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Trước mắt trong đợt 1, công ty lựa chọn xuất khẩu 6 sản phẩm nông sản.

Đối với sản phẩm bưởi Soi Hà, doanh nghiệp đã đặt hàng từ 10.000-15.000 quả bưởi theo đúng tiêu chuẩn, chất lượng xuất khẩu và dự kiến cuối tháng 10/2024 sẽ tiến hành xuất khẩu.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang, cho biết các sản phẩm được lựa chọn xuất khẩu đều là những sản phẩm nông sản chủ lực tiểu biểu của tỉnh Tuyên Quang, được kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá rộng khắp thị trường trong nước.

Mặc dù, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu trong đợt 1 năm 2024 chưa cao nhưng đây là kết quả bước đầu trong hoạt động sản xuất sản phẩm nông sản chất lượng mang định hướng xuất khẩu nhằm đưa sản phẩm nông sản đặc sản chủ lực của tỉnh vươn ra thị trường nước ngoài.

Trong gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang cùng các địa phương tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất, tạo ra các vùng nguyên liệu bảo đảm chất lượng, đáp ứng quá trình chế biến sản phẩm; hỗ trợ chứng nhận an toàn thực phẩm cho vùng nguyên liệu.

Đồng thời, ngành Nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị sản phẩm an toàn thực phẩm; áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn như: VietGAP, hữu cơ, Global GAP, chứng nhận ISO theo tiêu chuẩn quốc tế để đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ người sản xuất nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc; tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản: giới thiệu kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản, các sản phẩm đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP; đưa các sản phẩm vào các trung tâm thương mại, siêu thị và lên sàn giao dịch thương mại điện tử...

Hiện, Tuyên Quang có 248 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó có 189 sản phẩm 3 sao, 31 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao.

Ngoài ra, xây dựng được 32 chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm an toàn; 107 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ; trên 200 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc và 4 sản phẩm được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Theo ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường: Sản phẩm OCOP của Tuyên Quang có lợi thế, sức cạnh tranh rất lớn, nhiều sản phẩm được đánh giá rất cao về chất lượng do được canh tác trong môi trường an toàn chưa bị tác động về ô nhiễm về đất, nước, khí hậu.

Thống kê của ngành, diện tích cây trồng sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của tỉnh là hơn 3.600 ha, trong đó diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hơn 2.400 ha; theo tiêu chuẩn Rainforest hơn 914 ha, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ là 268 ha và 8 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Đây là lý do nông sản, sản phẩm OCOP của tỉnh đang có sức cạnh tranh và chiếm lĩnh được thị trường trong và ngoài nước.

TQ

Các đại biểu tham quan gian hàng sản phẩm OCOP xuất khẩu của huyện Yên Sơn.

Tuy nhiên, cái khó trong sản xuất nông nghiệp nói chung hiện nay là tính mùa vụ, quy mô sản xuất của tỉnh vẫn rất manh mún, nhỏ lẻ, chưa thực sự bền vững. Đây là thực tế chung của Việt Nam, không riêng Tuyên Quang. Thêm nữa, dù sản phẩm OCOP của Tuyên Quang có lợi thế song quy mô sản xuất vẫn ở mức khiêm tốn trong khi điều doanh nghiệp quan tâm nhất là ngoài đảm bảo chất lượng, các tiêu chuẩn cao về an toàn vệ sinh thực phẩm, thì vùng nguyên liệu phải sẵn có phục vụ cho sản xuất, sản lượng đảm bảo...

Ông Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định: Thực hiện Đề án “Cơ cấu lại Ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết đảm bảo chất lượng giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách để hỗ trợ các nhóm, hợp tác xã vốn vay. Điển hình như Nghị quyết 03/2021/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Theo nghị quyết các tổ chức, hộ gia đình có nhu cầu, đảm bảo các tiêu chí đều có thể tiếp cận nguồn vốn chính sách để đầu tư phát triển sản xuất. Tỉnh cũng khuyến khích các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết sản xuất theo quy mô lớn. Riêng với ngành Nông nghiệp sẽ đồng hành cùng các chủ thể trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất tạo nguồn nguyên liệu chất lượng  phục vụ chế biến. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với ngành Công thương tích cực chủ động xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, từng bước gia tăng số lượng sản phẩm OCOP xuất khẩu.

Theo baotuyenquang.com.vn

Tin khác

Nông - lâm - thủy sản 4 giờ trước
Vừa qua, tại huyện Yên Sơn, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Yên Sơn và Công ty cổ phần R.Y.B (Hà Nội) tổ chức Lễ xuất khẩu sản phẩm nông sản sang thị trường Vương quốc Anh (đợt 1) năm 2024.
Nông - lâm - thủy sản 2 ngày trước
Cá tra là một trong những loài cá thịt trắng được ưa thích ở nhiều thị trường trên thế giới. Tại Brazil, cá tra Việt Nam là lựa chọn số 1 trong các loài cá thịt trắng mà quốc gia này nhập khẩu từ thế giới.
Nông - lâm - thủy sản 4 ngày trước
Mặc dù đạt chứng nhận OCOP nhưng với các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh… việc tiến vào các chuỗi siêu thị lớn hiện vẫn còn nhiều khó khăn.
Nông - lâm - thủy sản 1 tuần trước
Đắk Lắk đang gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai Luật Đất đai 2024 vào thực tiễn. Việc xử lý diện tích đất nông, lâm trường còn nhiều vướng mắc, gây ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế và thu hút đầu tư tại địa phương.
Nông - lâm - thủy sản 1 tuần trước
Sau 4 năm bị xáo trộn bởi dịch Covid, chiến tranh, lạm phát, diễn biến của các thị trường đang dần ổn định, xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 đã quay trở lại quỹ đạo thông thường là tăng tốc trong nửa cuối năm, đạt đỉnh vào quý III.