Thứ sáu, 18/10/2024
  • Click để copy

Cà Mau nâng tầm, phát triển sản phẩm OCOP từ tiềm năng và lợi thế của tỉnh

07:39, 14/10/2024

Cà Mau nâng tầm sản phẩm OCOP bằng cách phát huy tiềm năng sẵn có, cải tiến chất lượng, xây dựng thương hiệu,...Hiện, các ngành, các cấp trong tỉnh đang khẩn trương triển khai kế hoạch thu hút, khuyến khích chủ thể tham gia.

Nâng cao, phát triển các sản phẩm OCOP tiềm năng

Cà Mau có lợi thế địa lý đặc thù với hệ sinh thái đa dạng, đặc biệt là hệ sinh thái rừng ngập mặn, rừng tràm và các vùng nuôi trồng thủy sản rộng lớn. Những điều kiện tự nhiên này đã tạo nên nguồn tài nguyên phong phú cho việc phát triển các sản phẩm OCOP.

Hơn 5 năm triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đã có sức lan tỏa sâu rộng đến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh.

4-706020241008100407

Hợp tác xã Tài Thịnh Phát Farm đã chuẩn bị cơ bản các tiêu chí để hoàn thiện hồ sơ nâng hạng sản phẩm OCOP 4 sao lên 5 sao (thịt cua và tôm khô sinh thái).

Qua các tiêu chí đánh giá, sản phẩm được công nhận OCOP càng khẳng định chất lượng, vị thế trên thị trường, củng cố lòng tin về uy tín của sản phẩm đối với người tiêu dùng. Sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, 5 sao theo đó được đánh giá bởi hội đồng các cấp.

Co thể kể đến như, hiện nay trên địa bàn huyện Năm Căn có 2 sản phẩm được chứng nhận Nhãn hiệu, gồm: Nhãn hiệu tập thể “Cua Năm Căn - Cà Mau” và Nhãn hiệu Chứng nhận “Bánh phồng tôm Hàng Vịnh - Cà Mau”.

Theo đó, cua Năm Căn - Cà Mau” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận năm 2015, đến nay có 9 thành viên tham gia sử dụng (trong đó, có 3 Công ty, 3 HTX và 3 cơ sở). Hiện, huyện cũng đã xây dựng Website quảng bá đối với nhãn hiệu tập thể “Cua Năm Căn - Cà Mau” trên cổng thông tin điện tử của huyện.

Nhìn chung, nhờ Nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý nên sản phẩm cua Năm Căn đạt và duy trì chất lượng sản phẩm OCOP 3 Sao; có tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP 4 Sao trong đợt đánh giá phân hạng OCOP sắp tới.

Ngoài ra, thời gian tới, sẽ nâng hạng sản phẩm đạt OCOP 5 sao theo Kế hoạch của UBND tỉnh (Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Vĩnh Hòa Phát (xã Hàng Vịnh) đang được các Sở, ngành tỉnh hỗ trợ nâng hạng sản phẩm bánh phồng tôm đạt OCOP 5 sao trong năm 2024).

Ông Mai Sáu - Giám đốc Công ty Cổ phần XNK Vĩnh Hòa Phát (xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn) cho biết: “Tham gia nâng hạng sản phẩm từ 4 sao lên 5 sao là cơ hội để sản phẩm của Công ty hoàn thiện các tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm.

Ngoài những yêu cầu chứng nhận về chất lượng đạt tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP 4 sao, sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chí về chứng nhận ISO, HACCP, đủ điều kiện từ khâu nhập nguyên liệu đầu vào đến quá trình xuất sản phẩm. Các quy trình đều được thực hiện nghiêm ngặt đúng theo quy định. Đến thời điểm này, Công ty đã cơ bản đáp ứng yêu cầu để đánh giá 5 sao, hoàn thiện các điều kiện cần thiết để tham gia nâng hạng”.

Tạo cầu nối giữa nông dân và người tiêu dùng

Điểm nhấn trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh Cà Mau là chú trọng kết hợp chuyển đổi số và tiêu thụ sản phẩm để tạo cầu nối bền vững, hiệu quả giữa nông dân và người tiêu dùng; góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường và người tiêu dùng; mang lại nhiều lợi ích cho ngành Nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người dân ở nông thôn.

Từ các chính sách đúng đắn đó, phong trào khuyến khích, hướng dẫn và lan tỏa tinh thần ứng dụng chuyển đổi số trong tiêu thụ nông sản của lãnh đạo tỉnh và các cơ quan, đơn vị… nhiều cá nhân, hộ gia đình kinh doanh ở tỉnh Cà Mau đã mạnh dạn chuyển đổi phương thức bán hàng, tham gia kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok và các sàn thương mại điện tử; qua đó mang lại hiệu quả khá cao trong tiêu thụ nông sản làm ra.

picture11920241008100525

Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau từng bước khẳng định được thương hiệu và vươn ra thị trường nước ngoài.

Trong những năm qua, tỉnh Cà Mau đã, đang triển khai mạnh mẽ Chương trình OCOP và đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Tính đến nay, tỉnh Cà Mau có 142 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP; trong đó, 29 sản phẩm 4 sao, 113 sản phẩm 3 sao, trong đó nhiều sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường lớn. Nổi bật là các sản phẩm từ thủy sản như: mắm cá lóc U Minh, tôm khô, cua Cà Mau và các sản phẩm từ cây dược liệu như mật ong rừng U Minh Hạ.

Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở việc tạo ra các sản phẩm đạt chuẩn, tỉnh Cà Mau còn hướng tới việc đa dạng hóa và phát triển các sản phẩm OCOP dựa trên các giá trị văn hóa, truyền thống của địa phương. Những làng nghề thủ công truyền thống đang được phục hồi và phát triển mạnh mẽ, góp phần tạo ra những sản phẩm OCOP độc đáo.

Tỉnh đang khuyến khích các doanh nghiệp và các hộ sản xuất đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm. Đặc biệt, việc phát triển các sản phẩm từ tôm sinh thái và cua sinh thái Cà Mau đang được đẩy mạnh, với mục tiêu không chỉ giữ gìn môi trường tự nhiên mà còn đáp ứng xu hướng tiêu dùng bền vững của thế giới.

Có thể nói, Chương trình OCOP đã lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai từ tỉnh đến xã, trở thành một trong những giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng NTM của tỉnh Cà Mau.

Chương trình thu hút được sự quan tâm tham gia của nhiều thành phần, đối tượng, đặc biệt tại khu vực nông thôn, nơi tập trung nguồn nguyên liệu dồi dào và bản sắc tri thức bản địa được lưu giữ, tích lũy qua nhiều thế hệ (nghề muối ba khía, nghề nuôi ong, nghề vót đũa đước, nghề làm tôm khô...) giúp khơi dậy tiềm năng, lợi thế của các địa phương để phát triển sản phẩm, dịch vụ, ngành nghề nông thôn… Doanh thu từ các sản phẩm sau khi được công nhận tăng khoảng 10 - 30%, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, với mức lương dao động từ 03 đến 05 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Văn Quân - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, năm 2024, quyết tâm của tỉnh sẽ phấn đấu hỗ trợ và nâng hạng ít nhất 15 sản phẩm đạt 4-5 sao. Hiện nay, địa phương đang tập trung hướng dẫn chủ thể hoàn thiện hồ sơ tham gia chương trình theo kế hoạch đề ra.

Theo đó, ước thực hiện đến cuối năm nay, địa phương sẽ phát triển mới và tiêu chuẩn hoá ít nhất 40 sản phẩm, trong đó công nhận mới ít nhất 30 sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao (có ít nhất 1 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng/du lịch sinh thái/điểm du lịch được công nhận sản phẩm OCOP), dự kiến nâng tổng số sản phẩm được công nhận trên địa bàn tỉnh đạt 168 sản phẩm; có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại, như: hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...

 Nguồn:thuonghieusanpham.vn

Tin khác

Sản phẩm 6 giờ trước
Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 20/2024/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2015/TT-BYT ngày 25/5/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế.
Sản phẩm 4 ngày trước
Cà Mau nâng tầm sản phẩm OCOP bằng cách phát huy tiềm năng sẵn có, cải tiến chất lượng, xây dựng thương hiệu,...Hiện, các ngành, các cấp trong tỉnh đang khẩn trương triển khai kế hoạch thu hút, khuyến khích chủ thể tham gia.
Sản phẩm 1 tuần trước
Sự kiện nhằm giới thiệu, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản, đặc sản của tỉnh Sóc Trăng đến người tiêu dùng thành phố Hồ Chí Minh.
Sản phẩm 1 tuần trước
Ông Trương Anh Tuấn - Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức cho biết, việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh cho các chủ thể.
Sản phẩm 1 tuần trước
Tháng 8/2024, Tập đoàn TH chính thức tung ra thị trường 2 sản phẩm mới thuộc dòng TH true TEA, gồm Trà Đào Tự Nhiên và Trà Vải Tự Nhiên.