Một nông dân Ninh Bình nuôi gà ri trên đệm lót sinh học, gà khỏe, bán đều, doanh thu 500 triệu/năm
Anh Vũ Thế Lực ở tỉnh Ninh Bình được biết với mô hình nuôi gà ri Lạc Thủy trên đệm lót sinh học dày, kết hợp nuôi sâu canxi đem lại kinh tế cao, ổn định.
Qua đánh giá, từ cách nuôi này chuồng trại hộ anh Lực giảm hẳn mùi hôi, hạn chế dịch bệnh, đàn gà khỏe mạnh,…gia đình có doanh thu ước 500 triệu đồng/năm.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Vũ Thế Lực (thị trấn Nho Quan, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) chia sẻ: “Năm 2022, được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày và nuôi sâu canxi thấy rất hay và hiệu quả.
Đây là dự án: “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai”.

Hộ anh Vũ Thế Lực ở tỉnh Ninh Bình nuôi gà trên đệm lót sinh học dày hạn chế dịch bệnh. Ảnh T L
Theo anh Lực, trước kia gia đình chăn nuôi chưa áp dụng đệm lót sinh học dày ngày nào cũng phải vào chuồng gà để quét dọn mới giảm được mùi hôi. Tuy nhiên, qua theo dõi đàn gà vẫn bị mắc một số chứng bệnh, đặc biệt là bệnh khô chân.
Sau khi tham gia lớp tập huấn chăn nuôi đệm lót sinh học dày và nuôi sâu canxi do giảng viên Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình hướng dân, hộ anh Lực đã về áp dụng trực tiếp trên mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm của gia đình.

Đàn gà nuôi khỏe mạnh, chất lượng thịt thơm...được nhiều người ưa chuộng. Ảnh: T L

Khu vực nuôi sâu canxi hộ anh Lực (thị trấn Nho Quan, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) rộng 50 m2. Ảnh: T L
Hiện nay, anh Lực không phải dọn chuồng định kỳ, giảm thiểu bệnh dịch trên đàn gà từ đó, gà khỏe mạnh, lớn nhanh, tăng năng suất, chất lượng thịt tốt...
Với diện tích 100 m2 đệm lót sinh học dày, anh Lực đang nuôi hàng trăm con gà ri Lạc Thủy thương phẩm. Bình quân cứ 1 năm, gia đình bán 3 lứa gà, giá gà được lái buôn mua 100.000 đồng/kg.
Qua ghi chép của gia đình anh Lực, từ nguồn tiền bán gà ri thương phẩm đem lại doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm, trừ mọi chi phí cũng lãi khoảng 100 triệu đồng.
Kỹ thuật làm đệm lót sinh học dày và nuôi sâu canxi
Để làm đệm lót sinh học dày đạt hiệu quả, anh Vũ Thế Lực ở Ninh Bình bật mí: “Trước tiên chuẩn bị vật liệu hữu cơ như: Trấu, mùn cưa, lõi ngô,...đảm bảo khô, sạch và không bị ẩm mốc. Đối với nuôi con gà thương phẩm, độ dày đệm lót từ 10-15 cm đảm bảo khả năng hấp thụ tốt.

Anh Vũ Thế Lực ở Ninh Bình hướng dẫn cách làm đệm lót sinh học dày cho đàn vật nuôi. Ảnh: T L
Tiếp đến sử dụng men vi sinh chuyên dụng cho đệm lót sinh học. Rải đều lớp vật liệu lót chuồng lên nền chuồng. rắc đều men vi sinh lên bề mặt lớp lót. Có thể trộn men vi sinh với một ít cám gạo hoặc bột bắp để tăng hiệu quả hoạt động ban đầu của men”.
Anh Lực cho biết, theo định kỳ phải đảo xới nhẹ lớp đệm lót (2-3 ngày/lần đối với chuồng lồng nhiều tầng, 3-4 ngày/lần đối với chuồng lồng 2 tầng) để tăng độ thông thoáng và giúp men vi sinh hoạt động tốt hơn.

Sâu canxi có vòng đời ngắn, sinh trưởng nhanh và dễ chăm sóc. Ảnh: T L
Đối với quy trình nuôi sâu canxi cần thực hiện các bước như: Chuẩn bị chuồng nuôi, chuẩn bị giống, bổ sung thức ăn, kiểm tra độ ẩm và nhiệt độ, thu hoạch sâu canxi.
Ngoài ra, để tiết kiệm bà con nông dân có thể áp dụng các kỹ thuật nhân giống sâu canxi để tự sản xuất trứng ruồi lính đen. Cụ thể, chuẩn bị lồng nuôi ruồi lính đen, hộp chứa nhộng, chất dẫn dụ, ổ đẻ trứng, thu hoạch trứng.
Sâu canxi có khả năng tiêu thụ nhiều loại chất thải hữu cơ như: Phân gia súc, gia cầm, rau củ quả hư hỏng, bã đậu,...giúp giảm thiểu lượng rác thải nông nghiệp và sinh hoạt.

Sâu canxi chứa hàm lượng protein cao. Ảnh: T L

Nuôi sâu canxi, hộ anh Lực tiết kiệm chi phí thức ăn chăn nuôi. Ảnh: T L
Theo anh Lực, việc kết hợp nuôi gà trên đệm lót sinh học dày và nuôi sâu canxi là một giải pháp chăn nuôi thông minh, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường và chất lượng sản phẩm.
Mô hình này không chỉ giúp xử lý hiệu quả chất thải chăn nuôi mà còn tạo ra nguồn thức ăn tự nhiên và bổ dưỡng cho gà, hướng đến một nền nông nghiệp tuần hoàn và bền vững.
Theo danviet.vn