Sức bật trái cây Việt Nam - nhìn từ vựa trái cây Đồng bằng sông Cửu Long
Xuất khẩu rau củ quả, trái cây năm 2024 lập thêm kỷ lục khi mang về 7,2 tỷ USD. Sang năm 2025, với nhiều yếu tố thuận lợi, rau quả Việt Nam được dự báo sẽ bứt phá với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 8 tỷ USD....
Xuất khẩu rau củ quả, trái cây năm 2024 lập thêm kỷ lục khi mang về 7,2 tỷ USD. Sang năm 2025, với nhiều yếu tố thuận lợi, rau quả Việt Nam được dự báo sẽ bứt phá với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 8 tỷ USD và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ được coi là trung tâm, “điểm tựa” cho mục tiêu này.
ĐBSCL – “điểm tựa” của trái cây Việt
Năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt gần 7,2 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ. Đây là kỷ lục mới của ngành rau quả Việt Nam và cũng là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024. Đứng đầu về danh sách rau quả xuất khẩu là sầu riêng với giá trị ước đạt 3,3 tỷ USD; tiếp theo là thanh long khoảng 435 triệu USD; tiếp đến là chuối, xoài và một số mặt hàng khác như mít, dừa, dưa hấu…
Số liệu mới từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu rau quả Việt Nam trong tháng 3/2025 đạt hơn 477 triệu USD, tăng 52,1% so với tháng trước. Tuy nhiên, lũy kế quý I/2025, ngành này chỉ thu về hơn 1,16 tỷ USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường lớn nhất của rau quả Việt - đạt hơn 521 triệu USD, giảm 27,4%. Nguyên nhân là nước này siết chặt kiểm dịch, áp thêm quy định như kiểm tra “vàng O” với sầu riêng. Tình trạng đứt gãy logistics và chi phí vận chuyển tăng cũng góp phần khiến các đơn hàng bị chậm trễ.
Quý I, thị trường Mỹ cũng chi 111 triệu USD (gần 2.900 tỷ đồng) nhập rau quả Việt Nam, tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản phẩm xoài Cát Chu Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) đã được xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh: Ngọc Dân
Theo nhận định của Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - ông Đặng Phúc Nguyên, mục tiêu 8 tỷ USD kim ngạch rau quả năm 2025 vẫn khả thi, nhưng “chỉ khi Việt Nam nâng chuẩn chất lượng và tuân thủ chặt chẽ các quy định quốc tế”.
Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 14-15/4, Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký 4 Nghị định thư, trong đó, 2 Nghị định thư về xuất khẩu ớt và chanh leo. Điều này, càng củng cố thêm niềm tin và kết quả xuất khẩu bứt phá trong năm 2025 của mặt hàng rau quả.
Để hiện thức hóa xuất khẩu rau quả 8 tỷ USD, ĐBSCL đang được coi là “điểm tựa” cho mục tiêu này. Theo TS Võ Hữu Thoại - Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, ĐBSCL là vùng sản xuất cây ăn trái truyền thống và chủ lực của Việt Nam trong nhiều năm qua và hiện tại. Diện tích trồng cây ăn trái của ĐBSCL có xu hướng tăng trong 10 năm qua.

Nông dân thu hoạch quýt tại huyện Lai Vung (Đồng Tháp). Ảnh: T.L
TS Thoại cho rằng, tiềm năng phát triển cây ăn trái ở ĐBSCL vẫn còn, một phần do quy mô diện tích trồng đang được mở rộng (vườn cải tạo, đất lúa kém hiệu quả...). Nhìn ở khía cạnh tiêu thụ, theo TS Thoại, trái cây nước ta cũng có nhiều cơ hội phát triển. Trước hết là các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước được thực hiện mở ra cơ hội lớn cho trái cây cả nước nói chung. Dư địa còn lớn, xuất khẩu trái cây tăng nhanh những năm gần đây, tác động tích cực đến cải thiện giá bán trái cây của nhà vườn. Đây là động lực quan trọng để nhà vườn đầu tư thâm canh, tăng năng suất và chất lượng trái.
Nhìn trên bình diện tổng thể, dư địa đối với ngành hàng trái cây còn lớn, nhưng để phát triển bền vững cũng cần đánh giá đúng thực trạng và đưa ra dự báo sát với tình hình thực tiễn. Theo TS Võ Hữu Thoại, để phát triển cây ăn trái bền vững cần đánh giá lại nguồn tài nguyên nước từng khu vực, quy hoạch và phát triển các hệ thống thủy lợi theo từng vùng.
Khai thác tối đa lợi thế
Với 370.000ha cây ăn trái, ĐBSCL đóng góp 60% sản lượng trái cây xuất khẩu của cả nước và năm 2024. Cùng với xu hướng chuyển đổi chung của các tỉnh, thành trong khu vực, trên địa bàn Tiền Giang hiện đã hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái chủ lực, đặc sản.
Huyện Cái Bè là địa phương có diện tích cây ăn trái lớn của tỉnh Tiền Giang với nhiều loại trái cây đặc sản. Trong đó, cây sầu riêng chiếm diện tích lớn và tăng nhanh trong những năm gần đây.
Theo UBND huyện Cái Bè, đến nay, diện tích sầu riêng của huyện khoảng 10.000ha; trong đó, diện tích cho trái chiếm khoảng 2/3. Để phát triển cây sầu riêng, thời gian qua, huyện Cái Bè đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng thủy lợi đồng bộ.
Song song đó, địa phương còn tập trung hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Huyện cũng đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
Hằng năm, ngành nông nghiệp đều xây dựng kế hoạch tập huấn, hội thảo và chuyển giao khoa học - kỹ thuật trên cây ăn trái, chủ yếu trên cây sầu riêng. Ngoài ra, địa phương còn tập trung hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn xây dựng mã số vùng trồng (MSVT), mã số cơ sở đóng gói (CSĐG) phục vụ xuất khẩu sầu riêng chính ngạch. Đến cuối năm 2024, toàn huyện có 60 MSVT sầu riêng được cấp với diện tích trên 1.500ha.

Cách đây 6 năm, ông Nguyễn Văn Đông (xã Hậu Thành, huyện Cái Bè) quyết định chuyển 1ha lúa sang trồng sầu riêng. Ông Đông chia sẻ: “Đất ruộng tại khu vực của tôi nằm trong ô đê bao nên đảm bảo việc trồng sầu riêng. Cây sầu riêng phát triển rất tốt không thua ở khu vực phía nam Quốc lộ 1. Lứa trái đầu tiên thu hoạch vào dịp sầu riêng giá cao nên lời bộn”.
Huyện Cờ Đỏ có diện tích trồng cây ăn trái lớn của Cần Thơ với khoảng 5.000ha, với nhiều loại cây ăn trái đặc sản xuất khẩu sang Mỹ, Australia, Nhật Bản, EU và Trung Quốc.
Nông dân Nguyễn Hoàng Anh (xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ) cho biết, với hơn 5ha nhãn canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Australia đã giúp cho gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi vụ. Chính áp dụng quy trình canh tác nghiêm ngặt đã giúp cho sản phẩm được giá, không còn lo đầu ra như nhiều năm trước.
“Mỗi thị trường đòi hỏi quy trình khác nhau, muốn để vào thị trường Mỹ thì mình làm cho chất lượng, muốn được vào thị trường châu Âu thì mình làm theo tiêu chuẩn của VietGAP. Mình phải vào HTX rồi làm theo quy trình để xuất khẩu sang các thị trường” - anh Hoàng Anh chia sẻ.
Để khu vực ĐBSCL phát huy tổng thể giá trị, thế mạnh của ngành hàng trái cây, TS Võ Hữu Thoại cho rằng, cần đánh giá lại nguồn tài nguyên nước từng khu vực, quy hoạch và phát triển các hệ thống thủy lợi theo từng vùng. Từ đó, quy hoạch lại các vùng trồng thích hợp với từng loại cây ăn trái. Một trong những giải pháp quan trọng là nâng cấp cơ sở hạ tầng (đường giao thông, hệ thống điện...) để thuận lợi chuyên chở vật tư nông nghiệp, nông sản và phục vụ cơ giới hóa sản xuất.
Nông dân cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông minh, năng lượng xanh, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước (tưới tiết kiệm, phân hòa nước). “Một trong những giải pháp căn cơ là nghiên cứu nhu cầu nước trong mùa khô cho từng loại cây trồng, từng vùng sinh thái, ở các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây, nhất là giai đoạn kinh doanh” - ông Thoại nói.
Đồng thời, đánh giá mức độ ảnh hưởng của giống cây trồng tại những vùng có nguy cơ cao (hạn, mặn, ngập, phèn) để đề xuất hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích hợp. Bên cạnh đó, nhà nước cần quản lý chặt khâu sản xuất cây giống cây ăn trái và cung ứng cây giống tốt, sạch bệnh cho người trồng.
Còn theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, các địa phương cần có những chương trình để tập huấn nông dân về nâng cao trình độ công nghệ thông tin, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc sản xuất dễ dàng, thực hiện truy xuất nguồn gốc, tham gia các sàn thương mại điện tử hoặc là các hội chợ trong và ngoài nước để bán hàng, để giới thiệu về hàng hóa…
“Từ đó sẽ tạo ra một thương hiệu của vùng nguyên liệu, từ những thương hiệu vùng nguyên liệu của địa phương sẽ hình thành nên thương hiệu quốc gia. Và khi hàng hóa có thương hiệu quốc gia thì chúng ta không sợ là không có người mua, không có thị trường” - ông Nguyên nhận định.