Hưng Yên có 271 sản phẩm OCOP được công nhận
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, sau 6 năm triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 271 sản phẩm OCOP được công nhận.
Trong đó, có 225 sản phẩm đạt 3 sao và 46 sản phẩm đạt 4 sao của 109 chủ thể gồm: 53 hợp tác xã, 13 doanh nghiệp, 12 tổ hợp tác và 31 hộ kinh doanh.
HTX Chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo, xã Đông Tảo (huyện Khoái Châu).
Chương trình OCOP đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về phát triển sản phẩm đặc sản gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP như: làng nghề truyền thống dược liệu Nghĩa Trai (huyện Văn Lâm); làng nghề mộc mỹ nghệ Hòa Phong (thị xã Mỹ Hào); làng nghề sản xuất và chế biến nghệ Chí Tân (huyện Khoái Châu); làng nghề hoa, cây cảnh Xuân Quan (huyện Văn Giang); làng nghề truyền thống hương thôn Cao (thành phố Hưng Yên)...
Sau 6 năm triển khai chương trình OCOP, nhiều địa phương, cơ sở đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn.
Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung đầu tư, phát triển đa dạng sản phẩm, chế biến, chế biến sâu các sản phẩm truyền thống, hình thành nhiều sản phẩm OCOP như: sản phẩm nhãn lồng, hạt sen long nhãn, gà Đông Tảo, nghệ Chí Tân… là những đặc sản riêng có của mảnh đất Hưng Yên.
Tỉnh Hưng Yên đã xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP, từng bước số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị OCOP hướng tới hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về Chương trình OCOP.
Đến nay, tỉnh có 35 sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể như: nhãn lồng Hưng Yên; nghệ Chí Tân; vải trứng Hưng Yên; cam Hưng Yên; gà Đông Tảo; sen Hưng Yên... Bên cạnh đó, tỉnh Hưng Yên hỗ trợ chuyển giao ứng dụng công nghệ, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp trong sản xuất, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin; đa dạng các sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, thúc đẩy liên kết, hợp tác, phát triển các “gian hàng OCOP” giữa chủ thể sản xuất và các sàn thương mại điện tử; tham gia các sàn thương mại điện tử voso.vn, shopee.vn, postmart.vn... đưa các sản phẩm OCOP lên cổng thông tin điện tử ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, website: http//ocophungyen.vn, http//ketnoiocop.vn, fanpage sản phẩm OCOP Hưng Yên; bán hàng online trên nền tảng Tiktok, Zalo, Facebook...
Những năm qua, tỉnh Hưng Yên triển khai hiệu quả chương trình OCOP.
Theo kế hoạch thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Hưng Yên phấn đấu đến năm 2025 có 265 tới 280 sản phẩm OCOP được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Cùng với phát triển các sản phẩm mới, việc đánh giá, công nhận lại các sản phẩm OCOP đã hết thời hạn cũng được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, qua đó đáp ứng nhu cầu về lượng cũng như nâng cao về chất của sản phẩm OCOP.
Để đạt mục tiêu đề ra, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên cho biết, thời gian tới, tỉnh Hưng Yên tiếp tục thực hiện Chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản xuất phát triển sản phẩm chủ lực, tiềm năng của các địa phương tham gia Chương trình OCOP, góp phần nâng cao chất lượng tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Cùng với đó, đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, hoàn thiện hệ thống tổ chức, bộ máy hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp theo Luật hợp tác xã năm 2023 hoạt động hiệu quả; phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với phát triển dịch vụ du lịch nông thôn; duy trì và phát triển các sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt từ 3 sao trở lên.
Nguồn:thuonghieusanpham.vn